Dân Việt

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía

Đức Cường 17/05/2024 09:01 GMT+7
Nắng nóng kéo dài, khiến nhiều hồ chứa, sông suối ở Ninh Thuận cạn trơ đáy. Nông dân phải đội đèn thâu đêm, chắt chiu từng nguồn nước nhỏ để cứu cây trồng.

Xuyên đêm theo nước cứu cây trồng ở Ninh Thuận

Những ngày này, khắp trên cánh đồng mía ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đâu đâu cũng nghe nông dân kêu vì nỗi lo nắng hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 1.

Nông dân Đoàn Quang Nông đội đèn theo nước cho 1,5ha mía. Ảnh: Đức Cường

Nhiều nông dân cho biết, nắng hạn kéo dài khiến nhiều sông suối, ao hồ cạn trơ đáy. Để cứu cây trồng, nhiều nông dân phải đội đèn xuyên đêm tức trực ở các kênh mương để dẫn nước về tưới cho cây trồng.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt tối 15/5, đã 23 giờ đêm nhưng cánh đồng mía ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) vẫn râm ran tiếng nói chuyện của nông dân, ánh đèn pin chói sáng cả một vùng.

Đang tất bật theo nước cho 1,5ha mía đang độ đẻ nhánh, nông dân Đoàn Quang Nông ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, đã xuyên đêm theo nước cứu mía gần 1 tuần nay.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 2.

Để có nước về rẫy, nhiều nông dân phải khơi thông cống rãnh, "tháo nước" ở các mương lớn cách rẫy 2-3km. Ảnh: Đức Cường

Nông dân này cho biết, nước từ các tuyến kênh mương đổ về chỉ đủ tưới cho phần diện tích nhỏ ở phía thượng nguồn. Các hộ ở cuối mương như anh phải "trực đêm" mới có nước vào ruộng.

"Chưa năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay, mía đang giai đoạn đâm chồi, đẻ nhánh nên rất cần nguồn nước để sinh trưởng. Nông dân phải luân phiên chia sẻ nguồn nước nhưng vẫn không đủ để tưới cho cây trồng…", ông Nông cho hay.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 3.

Ban ngày nắng nóng, nguồn nước chỉ đủ để tưới cho vùng thượng nguồn. Ở phía hạ lưu, nông dân phải đội đèn, xuyên đêm dẫn nước vào ruộng. Ảnh: Đức Cường

Cách đó không xa, nông dân Nguyễn Trường cũng đang chắt chiu từng dòng nước để tưới cho 1,3ha mía.

Ông Trường cho biết, ban ngày nước ở kênh mương thường xuyên khô cạn nên nông dân phải "xuyên đêm" theo nước cứu cây trồng.

Theo ông Trường, những năm trước lượng nước dồi dào nên tuyến kênh mương chạy dọc ruộng mía của gia đình luôn đầy nước. Tuy nhiên năm nay nắng hạn kéo dài nên mương nước đã khô cạn nhiều tháng nay.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 4.

Nông dân Nguyễn Trường cũng đang chắt chiu từng dòng nước để tưới cho 1,3ha mía. Ảnh: Đức Cường

"Muốn có nước chảy về ruộng, nông dân phải đi "tháo nước" từ các tuyến kênh lớn hơn. Xuyên đêm khơi thông dòng chảy để đưa nước từ thượng nguồn về rẫy cách 2-3km. Nông dân chúng tôi đang cầu mưa từng ngày để "giải khát" cho cây trồng...", ông Trường cho hay.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 5.

Nông dân "trực" xuyên đêm tại các tuyên kênh mương để chờ nước về cứu mía. Ảnh: Đức Cường

Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước

Xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) được xem là thủ phủ của cây mía đường ở Ninh Thuận với diện tích hơn 1.000ha. Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích mía không chủ động nước (khoảng 300ha) ở khu vực suối Mây 1, 2, 3, sông Dầu 2, Lô 20 sông Dầu có nguy cơ chết héo, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Địa phương này đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm để ứng phó hạn hán.

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 6.

Để ứng phó hạn hán, nông dân xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn ứng dụng tưới tiết kiệm trên cây mía. Ảnh: Đức Cường

Theo Sở NNPTNT Ninh Thuận, tính đến ngày 15/5, tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn còn hơn 143 triệu khối /417 triệu khối, chiếm 34,35% dung tích thiết kế. Có 2 hồ chứa đã hết nước (gồm hồ CK7 và Ông Kinh), 6 hồ đã xuống mực nước chết (gồm các hồ Sông Biêu, Tân Giang, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Lanh Ra và Bầu Zôn).

Hiện, toàn tỉnh Ninh Thuận chưa xảy ra thiệt hại trong sản xuất và thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó hạn hán, địa phương này đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn toàn tỉnh với mục "không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi".

Nắng hạn kéo dài, nông dân ở Ninh Thuận đội đèn xuyên đêm "theo" nước cứu mía- Ảnh 7.

Nông dân Ninh Thuận lồng ghép các giải pháp vừa đam bảo nước tưới và thức ăn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Đức Cường