Ông Cao luôn là người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại bản Hua Tạt. Cách làm của ông đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con người Mông nơi đây. Ông đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất hàng hóa và đưa giống cây có chất lượng vào trồng. Hiện ông đang trồng 2ha quýt đường, 1ha cà chua, 1ha hồng giòn và ông cũng đã dày công trồng được 1ha lê Tai Nung.
Theo chia sẻ của ông Cao, trước đây ông đã từng trồng bưởi, trồng cam trên đất cao nguyên, nhưng không mang lại hiệu quả. Cách đây 4 năm, ông gạt nước mắt cắt đi vườn chanh, vườn bưởi sai trĩu quả và mạnh dạn đưa cây lê vào trồng tại Hua Tạt. "Sau nhiều lần trồng rồi chặt khiến tôi chịu quá nhiều thiệt hại. Việc đưa cây lê Tai Nung vào trồng cũng là một lần nữa đánh bạc với giời", ông Cao chia sẻ.
Không phụ công chăm sóc của ông, vườn lê Tai Nung bước sang năm thứ 3, cây lê cho quả bói. Năm nay cây lê đã cho thu hoạch. Cây nào, cây nấy sai trĩu quả. Để cây lê phát triển tốt, ông thường xuyên cắt tỉa và tạo tán, bón phân hữu cơ. Ông Cao còn lắp đường tưới nước tự động. Xung quanh gốc ông trồng bí, khoai sọ nhằm giữ độ ẩm cho cây lê.
Theo ông Cao, năm nay sẽ có 120/400 cây lê Tai Nung cho thu hoạch. Mỗi cây ước chừng được 20kg quả. Năm ngoái ông bán lê với giá 60.000đ/1kg. Toàn bộ sản lượng lê trong vườn đều do khách du lịch mua sạch.
Cây lê dễ trồng, dễ chăm sóc và hợp với thổ dưỡng của cao nguyên Mộc Châu. Ông Cao còn kiên trì canh tác lê theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy mà vườn lê của ông luôn bán được giá và dễ bán. "Tôi đã gửi mẫu đất, mẫu nước đi xét nghiệm để chứng nhận chứng chỉ hữu cơ. Chắc một tháng nữa là vườn của gia đình sẽ được đón nhận tin vui", ông Cao cho biết.
Do cây lê Tai Nung được chăm sóc theo hướng hữu cơ, chất lượng quả thơm ngon hơn hẳn. Ông Cao còn đang ấp ủ kế hoạch bắc giàn cho cây lê Tai Nung. Ông sẽ tạo hình, tạo thế cây lê để khách du lịch đến thăm vườn có những góc chụp hình đẹp nhất.
Một số hình ảnh về vườn lê Tai Nung của ông Tráng A Cao: