Làm giàu từ trồng lê, nuôi cá hồi
Dù đường từ xã Mường Hum vào trung tâm xã Nậm Pung bị xuống cấp, xe đi lại khó khăn, nhưng đường từ trung tâm xã Nậm Phung đi các thôn, bản đã được đổ bêtông kiên cố, sạch đẹp, khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Trong ngôi nhà nhỏ bên suối Nậm Pung, anh Lý Sin Dùn đang chuẩn bị những xô cám cho đàn cá hồi ăn. Cách đây 1 năm, anh Dùn cùng anh Tẩn Phù Quan chung vốn gần 400 triệu đồng đầu tư xây ao nuôi cá hồi.
Nhìn đàn cá hồi đang bơi trong bể nước, anh Dùn nói: Năm trước tôi nuôi khoảng 4.000 con nhưng chưa có kinh nghiệm chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nên cá bị chết một phần, thu hoạch được khoảng 2 tấn, lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay, tôi đầu tư nuôi khoảng 5.000 con cá hồi, đàn cá đang sinh trưởng tốt.
Xã Nậm Pung hiện có 84ha lê Tai nung, trong đó 14ha đã cho thu hoạch. Ảnh: TUẤN NGỌC
"Nậm Pung hiện đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, xã còn 30% hộ nghèo và vẫn chưa đạt tiêu chí thu nhập nên nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người dân vẫn được đặt lên hàng đầu”.
Ông Tẩn Sài Chiêu
|
Ông Lý Vần Thàng - Trưởng thôn Kin Chu Phìn cho biết: Thôn Kin Chu Phìn nằm ở vị trí cao hơn các thôn khác, có nguồn nước lạnh dồi dào nên phù hợp với nuôi cá nước lạnh. Vài năm trước, ở đây đã có 2 trại nuôi thử nghiệm thành công cá hồi, từ đó người dân trong thôn học hỏi và làm theo.
Từ năm 2019 đến nay, thôn có 5 hộ đào ao nuôi cá nước lạnh, gồm: Tẩn Láo Tả, Tẩn Láo San, Lý Sin Dùn, Tẩn Phù Quan, Tẩn Kin Chỉn. Nuôi cá nước lạnh là hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân có cuộc sống ấm no hơn.
Thôn Kin Chu Phìn còn khiến chúng tôi ấn tượng bởi những vườn lê Tai nung xanh tốt. Nậm Pung là vùng lê Tai nung lớn nhất huyện Bát Xát, trong đó diện tích lê đang cho thu hoạch tập trung nhiều ở thôn Kin Chu Phìn. Thôn có hơn 90 hộ, hầu hết các hộ trồng lê. Năm 2019, có hộ thu hơn 100 triệu đồng từ bán quả lê. Cây lê giúp bà con giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Đến nay, thôn chỉ còn 9 hộ nghèo.
Mũi nhọn trong thực hiện tiêu chí thu nhập
Ông Tẩn Sài Chiêu - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung cho biết: So với nhiều xã vùng cao khác của huyện Bát Xát, Nậm Pung còn nhiều khó khăn do giao thông không thuận lợi. Cũng vì thế, cuộc sống đồng bào các dân tộc ở đây rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thấy rõ những khó khăn, trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Pung xác định xây dựng nông thôn mới chính là giúp người dân có cuộc sống ấm no hơn. Xã tập trung phát triển giao thông, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, mũi nhọn là phát triển cây lê Tai nung và nuôi cá nước lạnh.
Cây lê Tai nung được trồng thử nghiệm tại xã từ 10 năm trước và đến nay đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. 3 năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã vận động người dân mở rộng diện tích trồng lê. Hiện xã có 84ha lê Tai nung, trong đó 14ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3,5 tấn/ha, giá trị đạt hơn 140 triệu đồng/ha. Cây lê không chỉ được trồng ở Kin Chu Phìn mà mở rộng trồng ở các thôn khác như Sín Chải, Nậm Pung, Tả Lé… Năm 2020, xã phấn đấu trồng thêm gần 20ha lê Tai nung.
Về nuôi cá nước lạnh, theo Bí thư Tẩn Sài Chiêu, đây là hướng phát triển kinh tế mới, luôn được cấp ủy đảng, chính quyền xã ủng hộ. Đây cũng là mô hình phù hợp với thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc quản lý đất đai, không để nuôi cá nước lạnh ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên, xã đã quy hoạch khu vực nuôi cá nước lạnh hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài ra, xã Nậm Pung xác định trong thời gian tới sẽ mở hướng phát triển du lịch. Nậm Pung có rừng nguyên sinh, có bản làng người Dao, người Hà Nhì giàu bản sắc, có nhiều đặc sản như lê Tai nung, cá hồi, cá tầm, lợn, gà bản… phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đặc biệt, tuyến đường kết nối từ thôn Kin Chu Phìn sang xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) đã được mở mới, hình thành tuyến du lịch Sa Pa - Nậm Pung - Mường Hum, giúp du khách đến Nậm Pung dễ dàng hơn, là động lực để du lịch Nậm Pung phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.