Mang cây lê Tai-nung về trồng ở xã vùng biên Lào Cai, anh nông dân người Mông hốt bạc ngay vụ đầu
Mang cây lê Tai-nung về trồng ở xã vùng biên Lào Cai, anh nông dân người Mông hốt bạc ngay vụ đầu
Mùa Xuân
Thứ bảy, ngày 01/07/2023 19:05 PM (GMT+7)
Anh Vương Xuân Hùng (SN 1983), dân tộc Mông, thôn Sín Lùng Chải, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã mang cây lê Tai - nung về trồng, đem lại trái ngọt nơi rẻo cao.
Clip: Anh Vương Xuân Hùng, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương (Lào Cai) tâm sự về việc trồng lê Tai - nung.
Những ngày cuối tháng 6/2023, chúng tôi về xã Lùng Khấu Nhin, một trong những xã vùng cao của huyện vùng biên Mường Khương (Lào Cai). Vượt qua con đường gồ ghề đã và đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nâng cấp, mở rộng, dưới thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi, với đám mây trắng trôi bồng bềnh.
Đến trung tâm xã Lùng Khấu Nhin, hỏi anh Vương Xuân Hùng ai cũng biết, bởi anh là người đầu tiên mang cây lê Tai - nung về trồng và giờ đã mang lại những trái ngọt khắp núi rừng vùng cao nơi đây.
Cán bộ Hội Nông dân xã Lùng Khấu Nhin dẫn chúng tôi đi thăm vườn lê Tai - nung của anh Vương Xuân Hùng, mùa này, anh đang bận rộn thu hoạch quả lê để kịp bán cho thương lái.
Anh Hùng kể: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, vì điều kiện gia đình khó khăn nên học hết THPT tôi nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ rồi lập gia đình. Năm 2018, tôi đi tham quan, trải nghiệm ở vùng cao nguyên trắng Bắc Hà, thấy bà con trồng lê Tai - nung sai quả, ngon, ngọt và rất thích hợp với khí hậu lạnh, tôi đã mạnh dạn bỏ hơn 30 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình để mua hơn 1.000 gốc lê Tai - nung ghép về trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 2 ha. Đây cũng chính là quyết tâm của bản thân tôi để chuyển đổi từ đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây lê.
Theo anh Vương Xuân Hùng, khí hậu ở thôn Sín Lùng Chải mát mẻ quanh năm nên rất phù hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới. Do vậy, khi mang cây lê Tai - nung về trồng, cây bén rễ sinh trưởng và phát triển tốt.
Sau gần 5 năm trồng và chăm sóc cây lê đã cho những trái ngọt đầu tiên, vụ năm nay, cây lê sai quả trĩu cành nên được rất nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt hàng thu mua. Đến thời điểm này, gia đình anh Hùng đã bán được khoảng 3 tấn lê Tai - nung, với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 60 triệu đồng. Dự kiến hết vụ năm nay, anh Hùng sẽ thu về hơn 10 tấn quả lê Tai - nung.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc, anh Hùng cho rằng: "Cây lê khi trồng được 3 năm đã bắt đầu ra hoa nhưng đây chưa phải thời điểm thích hợp để cho cây đậu quả nên tôi phải vặt hoa đi. Quá trình này, sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt, cây to, khỏe hơn, từ năm thứ 4 trở đi mới cho cây ra hoa đậu quả".
Giống lê Tai - nung hay còn gọi là lê VH6 có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, thích ứng với nhiều loại đất đai, cho ra hoa đậu quả cao, quả to, mẫu mã đẹp và đặc biệt là thịt quả trắng không bị thâm. Khi ăn quả có hương thơm đặc trưng, nhiều nước, hàm lượng canxi khi chín cao vượt trội so với các giống lê khác. Bởi vậy, đến mùa thu hoạch, quả lê vùng cao được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Lù Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương cho biết: Vương Xuân Hùng là 1 trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã. Mô hình của hội viên Hùng đã được người dân đến tham quan, học tập và làm theo. Hiện Hội Nông dân đang tiếp tục triển khai nhân rộng cho các hộ dân có đất trồng để góp phần nâng cao thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.