Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, số nợ công/người của Việt Nam năm 2022 đã giảm 940.000 đồng/người so với năm 2021.
Chiều 30/5 tại Hội trường Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn đã trình bày báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo báo cáo, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách 21.300 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác gần 28.600 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho biết cơ quan kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.
Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Kiểm toán Nhà nước cho biết còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan Thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm
Chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định; còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.
Khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất; chưa thu đầy đủ và tính chưa chính xác phí BVMT.
Về quản lý nợ thuế, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tính đến cuối năm 2022 là 158.900 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 (116.961,7 tỷ đồng). Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đạt gần 7.300 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021 (7.028 tỷ đồng).
Chi đầu tư phát triển, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn 4.445,534 tỷ đồng, qua kết quả kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng.
Đáng nói, về chi thường xuyên, quyết toán là hơn 1.034 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán. Qua kiểm toán, một số khoản chi sự nghiệp nguồn NSTW thực hiện thấp so với dự toán giao như giáo dục - đào tạo, dạy nghề đạt 56,9% dự toán (11.876 tỷ đồng), lĩnh vực y tế, dân số và gia đình đạt 43,1% dự toán (12.082 tỷ đồng), lĩnh vực văn hóa thông tin đạt 56,7% (1.416 tỷ đồng), lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 64,5% (1.047 tỷ đồng).
Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp NSNN; có 05/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
Đặc biệt, KTNN khẳng định, một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, sử dụng nguồn này chi không đúng quy định, theo dõi, quản lý nguồn CCTL không chính xác.
08/60 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương, được để lại (KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau số tiền 82,99 tỷ đồng và kiến nghị Bộ Tài chính theo dõi, lưu ý khi thẩm định số tiền 2.881,51 tỷ đồng). Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị của các địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định hơn 3.200 tỷ đồng.