Dân "thắt lưng buộc bụng" vẫn phải đóng thuế thu nhập, Bộ trưởng Bộ Tài chính "phản pháo"!
Đại biểu nói: Dân "thắt lưng buộc bụng" vẫn phải đóng thuế thu nhập, Bộ trưởng Bộ Tài chính "phản pháo"!
Thuỳ Dương
Thứ tư, ngày 29/05/2024 17:10 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật" về quy định giảm trừ gia cảnh tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân sau khi đại biểu Quốc hội cho rằng dân "thắt lưng buộc bụng" mà vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Đăng đàn trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 29/5 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình hàng loạt vấn đề trong lĩnh vực tài chính.
Đáng chú ý, tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng: Mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống.
Đại biểu nêu, cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm (2026) mới được thông qua như đề xuất.
Theo quy định Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều trình mức giảm trừ gia cảnh. Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất mức giảm trừ gia cảnh bởi biến động CPI chưa đến 20%.
Song nhiều chuyên gia và các cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là dự trên giỏ hàng hoá gồm 750 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng. Nếu phải chờ tính mức trung bình mức giá của 750 mặt hàng sẽ phải rất lâu mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, thậm chí 6-7 năm.
"Khoảng thời gian 6,7 năm là quá dài, nó không phản ánh đúng kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, do vậy sẽ gây thiệt thòi cho người dân", đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009. Tại thời điểm, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng
Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mỗi người phụ thuộc có mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng. Cùng với đó Luật bổ sung thêm quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đến năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phớc, theo quy định hiện nay thì những người với một người phụ thuộc có thu nhập 17 triệu trở lên mới chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu có 2 người phụ thuộc thì phải có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế.
"Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần. Trong khi trên thế giới là dưới 1 lần", Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải lý do tại sao điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, CPI năm 2023 chỉ tăng 3,25%, năm 2022 tăng 3,15%, năm 2021 tăng 1,84%… Trong khi theo Luật thì CPI phải biến động trên 20% thì mới tăng mức giảm trừ gia cảnh.
"Điều này có nghĩa Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.