Dân Việt

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững

Vũ Thượng 31/05/2024 13:18 GMT+7
Ngày 31/5, tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”.

Dự diễn đàn có ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; bà Ngô Thị Kim Cúc - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi; ông Trương Quốc Hưng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam;… Đặc biệt, tham dự diễn đàn có 200 đại biểu đến từ các hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong chăn nuôi tại các địa phương.

Ngành chăn nuôi phát triển nhanh, là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ nông thôn 

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của đất nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững” diễn ra tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Thượng

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, với tổng đàn 30,3 triệu con lợn; 8,6 triệu con trâu, bò; 558,6 triệu con gia cầm, ngành chăn nuôi nước ta đã tạo ra một lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm các mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh mới nổi, tình trạng kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Nếu không kiểm soát được các rủi ro liên quan đến sức khỏe của động vật, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và môi trường sống.

Nguyên nhân là do chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ ở nước ta còn phổ biến; hạ tầng hạn chế, an toàn sinh học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, nguy cơ môi trường ô nhiễm rất cao, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nước ta có đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, khó kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật; hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 2.

Ông Trương Quốc Hưng-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Thượng

Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan nhanh ở phạm vi rộng là rất lớn, gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi và ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế. Do đó chăn nuôi an toàn sinh học là một xu thế tất yếu, để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.

Các năm qua, chăn nuôi gà phát triển nhanh, tuy nhiên vẫn ẩn chứa các nguy cơ về dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm. Do đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học trên nhiều tỉnh thành như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu,... Quy mô các dự án khoảng 146.000 con gà thương phẩm, 45.000 con vịt và 23.500 con ngan thương phẩm.

Trước khi xây dựng mô hình, các hộ chăn nuôi đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học với 3 nguyên tắc: Cách ly và kiểm soát vào ra, vệ sinh làm sạch và khử trùng, với các tài liệu đã được biên soạn theo hướng đễ thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam.

Thông qua các mô hình, dự án, nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học dần được nâng lên rõ rệt. Mô hình được nhân rộng tại địa phương, giúp tỷ lệ nuôi sống đàn gà được nâng lên, năng suất được cải thiện giúp cho chăn nuôi gà phát triển bền vững tại các địa phương.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Ngữ (tỉnh Thái Nguyên) tham gia diễn đàn. Ảnh: Vũ Thượng

Tham gia diễn đàn, nông dân Nguyễn Văn Ngữ (tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ: "Hiện gia đình tôi có tổng diện tích 1 ha, chủ yếu nuôi lợn (40 con nái, 200 lợn thịt), đàn gà khoảng 6.000 con thả vườn… Tôi thấy diễn đàn này rất thiết thực, những bài tham luận đã nói đúng, trúng thực tế mà người chăn nuôi đang vướng mắc. Tôi cố gắng lắng nghe, tiếp thu để về áp dụng mô hình của gia đình ngày càng hiệu quả hơn".

Đề xuất 4 nhóm giải pháp để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong ngành chăn nuôi

Hiện nay chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Còn lại phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học.

Nhận thức của người chăn nuôi nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tại các vùng chăn nuôi tập trong với mật độ chăn nuôi cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 4.

Đại biểu về tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”. Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, việc kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn, nguy cơ lan truyền mầm bệnh là rất cao.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững", với sự tham gia của 4 nhà để cùng nhau trao đổi thảo luận, đề xuất 4 nhóm giải pháp: 

Thứ nhất, giải pháp về chính sách ưu đãi đối với chăn nuôi an toàn sinh học. Thứ hai, giải pháp về kỹ thuật để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Thứ ba, giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền cho phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Thứ tư, giải pháp về liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo đó, đại diện Cục chăn nuôi cho biết, để phát triển chăn nuôi an toàn bền vững, cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nhất là trong bối cảnh hiện nay, môi trường chăn nuôi ô nhiễm nặng, diễn biến dịch bệnh phức tạp,…

Qua đó, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi tạo sản phẩm an toàn thực phẩm. Lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học, trước tiên là sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi bền vững.

Ngoài ra, còn đảm bảo công tác quản lý; sức khỏe đàn vật nuôi được giám sát bằng cách ngăn chặn tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn một cách nghiêm túc, dễ dàng; giảm thiểu tác động của môi trường bên ngoài đến sức khỏe đàn vật nuôi, người chăn nuôi chủ động đối phó với dịch bệnh.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 5.

Có 200 đại biểu đến từ các hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong chăn nuôi tại các địa phương tham dự diễn đàn. Ảnh: Vũ Thượng

Nguyên tắc chung của an toàn sinh học là thực hiện đầy đủ 3 nội dung: Cách ly, làm sạch và khử trùng. Cụ thể nguyên tắc như sau:

Cách ly là các biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi hoặc từ cơ sở chăn nuôi (nếu có) ra môi trường bên ngoài nhằm ngăn chặn nguồn bệnh từ khu vực bên ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi và ngược lại.

Làm sạch là các hoạt động vệ sinh thường xuyên trong khu vực chăn nuôi nhằm loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân chứa mầm bệnh bám trên bề mặt các dụng cụ, thiết bị,… Việc vệ sinh, làm sạch đúng cách sẽ có khả năng loại bỏ hầu hết các tác nhân gây bệnh.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 6.

Ban cố vân tham gia phần trao đổi tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Vũ Thượng

Khử trùng, tiêu độc là các hoạt động nhằm diệt các tác nhân gây bệnh còn lại sau khi đã tiến hành vệ sinh làm sạch. Việc khử trùng chỉ đạt được hiệu quả sau khi đã làm vệ sinh tốt và đảm bảo sự phù hợp của chất khử trùng, tỷ lệ pha, sử dụng đúng cách. Thời gian tiếp xúc có hiệu quả của chất khử trùng với bề mặt cần khử trùng tối thiểu là 10 phút.

Để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, cần tuyên truyền phổ biến pháp luật về chăn nuôi xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: Lồng ghép các chương trình khuyến nông nội dung tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học kỹ thuật xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để lan tỏa trong cộng đồng.

Khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng/sinh vật có ích để chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ đồng thời sản xuất protein, chất tách chiết từ ấu trùng côn trùng, sinh vật có ích.

Tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ để sản xuất sản phẩm probiotic, chế phẩm vi sinh, enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng và giúp xử lý chất thải, cải thiện môi trường chăn nuôi.

Ý kiến từ diễn đàn sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT
Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với "đe doạ" dịch bệnh xuyên biên giới, cần thúc đẩy chăn nuôi bền vững- Ảnh 7.

Ông Lê Minh Lịnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Trong thời gian 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững" đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Diễn đàn đã nghe 4 báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi, Sở NNPTNT Hà Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá kết quả triển khai các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tại các địa phương nhằm sản phẩm an toàn thực. Đồng thời, tập trung trao đổi các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết chuỗi trong chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Từ các kết quả đạt được tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiến nghị triển khai một số nội dung công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thay mặt các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến từ diễn đàn để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT để có những chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Thứ hai, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tham dự diễn đàn tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NNPTNT các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi,…Để qua đó tăng cường tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tổng kết kinh nghiệm thực hiện tại địa phương.

Thứ ba, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội dựa trên thông tin và kết quả của diễn đàn để đề xuất đặt hàng, phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình hợp tác với hệ thống khuyến nông, hợp tác xã, người nông dân trong việc cung ứng,..

Thứ tư, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ dịch vụ, người sản xuất căn cứ vào thông tin, kinh nghiệm chia sẻ tại diễn đàn để áp dụng một cách có hiệu quả. Đồng thời đề ra những phương án, giải pháp triển khai cụ thể nhằm phát huy đối ta nguồn lực sẵn có trong việc liên kết chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Thứ năm, các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin tuyên truyền về nội dung, kết quả của diễn đàn để khuyến cáo, nhân rộng ra ngoài sản xuất.