Cũng chỉ là nuôi gà xuất khẩu, vì sao Đồng Nai quyết làm theo chuỗi?

Thiên Hương Thứ tư, ngày 29/05/2024 08:32 AM (GMT+7)
Là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, từ nhiều năm nay, tỉnh Đồng Nai đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu.
Bình luận 0

Với 2 vật nuôi chủ lực là lợn và gà, chăn nuôi trang trại của tỉnh chiếm khoảng 90%, trong đó nhiều trang trại đang sử dụng công nghệ hiện đại, hàng đầu thế giới.

Đi đầu cả nước về chăn nuôi theo chuỗi từ A-Z

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, đến cuối năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt gần 23,2 triệu con, trong đó chủ yếu là các trang trại lớn của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc các trang trại đang gia công cho các công ty này nên có lợi thế về ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Nhờ đó, ngành chăn nuôi gà công nghiệp của Đồng Nai được xem là đi đầu cả nước trong việc hình thành các chuỗi sản xuất từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế biến và tiêu thụ do các doanh nghiệp FDI điều hành.

Trong đó, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là thành viên trong chuỗi liên kết chăn nuôi gà xuất khẩu với Công ty TNHH De Heus Việt Nam - Tập đoàn Hùng Nhơn - Công ty TNHH Koyu & Unitek. Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, đồng thời là Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ không còn phù hợp nữa mà phải phát huy vai trò của HTX, kinh tế tập thể để tập hợp các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vào chuỗi.

Cũng chỉ là nuôi gà xuất khẩu, vì sao Đồng Nai quyết làm theo chuỗi?- Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: T.H

Cũng chỉ là nuôi gà xuất khẩu, vì sao Đồng Nai quyết làm theo chuỗi?- Ảnh 2.

Vào chuỗi, người chăn nuôi sẽ yên tâm hơn về đầu ra vì ngay cả thời điểm dịch Covid-19, giá gà ngoài thị trường giảm mạnh chỉ còn 5.000 đồng/kg mà vẫn không bán được thì các trang trại vào chuỗi chăn nuôi vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá có lợi nhuận tốt là 28.000 đồng/kg.

Theo ông Quyết, để nuôi được con gà đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, từ nhiều năm trước, những chủ trang trại tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu của Đồng Nai đã thực hiện quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. "Năm 2017, chúng tôi đầu tư nguồn vốn lớn vào xây dựng chuồng trại hiện đại, áp dụng các quy trình chăn nuôi khắt khe nhất theo tiêu chuẩn của người tiêu dùng Nhật Bản nhằm đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Khi đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận thì HTX tự tin có thể chăn nuôi gà xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào trên thế giới" - ông Quyết nói.

Thực thế, hiện nay ông Quyết và 17 thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát đang tiếp tục chăn nuôi gà để xuất khẩu đi thị trường các nước Hồi giáo (Halal) - thị trường nổi tiếng có các yêu cầu vô cùng khắt khe, ngặt nghèo. Theo đó, toàn bộ trang trại được lắp đặt hệ thống làm mát tự động. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… được điều chỉnh theo từng ngày tuổi của con gà. Cám chở từ nhà máy bằng xe bồn, sau đó bơm vào hầm ủ thức ăn và từ đó dẫn vào các máng ăn. Đối với nước uống và thuốc thú y, HTX cũng sử dụng máy pha thuốc qua hệ thống tự động đưa đến từng núm uống. HTX sử dụng đệm lót sinh học và công nghệ khử mùi nên không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng chỉ là nuôi gà xuất khẩu, vì sao Đồng Nai quyết làm theo chuỗi?- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Quyết cho biết thêm, trong khi mặt bằng chung người chăn nuôi bị thua lỗ vì chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó thì thị trường tiêu thụ thịt gà công nghiệp khá ổn định, giá tốt. Nguyên nhân là thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang tăng trưởng tốt, nhất là các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa thích sản phẩm ức gà. Các trang trại, hộ chăn nuôi chỉ có vốn khoảng vài trăm đến 1 tỷ đồng đầu tư nhỏ thì sẽ khó phát triển được, nhưng nếu liên kết lại thì nguồn vốn tăng lên hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng và có thể đầu tư trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa… thì mới hạ giá thành sản xuất, sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh.

"Nghĩ như thế nên mấy năm trước, tôi đã quyết tâm thành lập HTX chăn nuôi gà áp dụng công nghệ cao, quy tụ những chủ trại chăn nuôi có kinh nghiệm để tăng quy mô nhỏ lẻ lên quy mô hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn, đáp ứng xuất khẩu" - ông Quyết nói.

Phấn đấu có 3 vùng an toàn dịch bệnh vào năm 2030

Ông Lê Văn Quyết chia sẻ thêm, chăn nuôi gà công nghiệp nước ta đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện đa số các trại nuôi đều được đầu tư hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn. Trong đó, các chuỗi này đều có sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, phân phối...

Nói về hiệu quả của chuỗi liên kết, ông Lê Quang Huy - chủ trại gà công nghiệp ở xã Long Đức (huyện Long Thành) chia sẻ: "Nhờ vào chuỗi liên kết, người chăn nuôi đỡ áp lực cả về biến động chi phí đầu vào, nhất là đầu ra cũng được bao tiêu với giá người chăn nuôi có lợi nhuận. Nhờ đó, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trang trại theo quy mô công nghiệp hiện đại để đáp ứng cả về sản lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường xuất khẩu".

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 171 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện (ngoại trừ TP.Biên Hòa) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Đến năm 2030, duy trì các vùng an toàn dịch bệnh, có 3 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đạt chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Xây dựng được 2 vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi. Trên cơ sở đó, phát triển, đa dạng thị trường xuất khẩu sản phẩm động vật như thịt gà, mật ong, tổ yến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem