Vì sao chùy là vũ khí đáng sợ nhất châu Âu Trung cổ?
PV
03/06/2024 21:10 GMT+7
Rẻ, dễ dùng và hiệu quả, đó là lý do vì sao các hiệp sĩ lẫn binh lính châu Âu thời Trung Cổ ưa thích sử dụng loại vũ khí này, bất chấp việc nó không phù hợp khi tấn công từ xa.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không phải gươm giáo, cái chùy mới là vũ khí nguy hiểm nhất trên chiến trường châu Âu thời Trung cổ. Vì sao lại như vậy?
Ngược dòng lịch sử, chùy là một loại vũ khí đã xuất hiện từ rất lâu, thậm chí các phiên bản sơ khai của nó đã có từ thời nguyên thủy. Nhưng đến thời Trung cổ, loại vũ khí này mới đạt đến thời hoàng kim của mình.
Chùy châu Âu có chiều dài trung bình vào khoảng 60 cm, nặng 1,5 kg. Phần đầu thường được tạo sáu cạnh đều nhau nên còn gọi là chùy sáu cạnh. Được dùng để đập, dù không nặng nhưng chỉ cần người dùng đánh trúng mục tiêu thì chùy vẫn tạo ra được lực sát thương lớn.
Sự ra đời của loại chùy này bắt nguồn từ một thực tế trên chiến trường là các hiệp sĩ thường sử dụng áo giáp dạng lưới. Loại giáp này nhẹ nhưng vẫn có khả năng bảo vệ người mặc khỏi các đòn tấn công từ những vũ khí sắc bén như kiếm hoặc giáo.
Khắc tinh của giáp lưới chính là chùy sáu cạnh, vì cây chùy này có lực đánh rất mạnh, đủ gây ra sát thương lớn cho cơ thể mà không cần phải cắt đứt áo giáp.
Ngoài chùy sáu cạnh, còn một dạng chùy khác cũng tương đối phổ biến là chùy cầu gai và biến thể của nó là chùy xích gai.
Khác với gươm giáo, chùy không gây các vết cắt sâu trên cơ thể mà làm dập các bó cơ, nội tạng hoặc gẫy xương, khiến nạn nhân dù khó có thể mất mạng nhưng sẽ bị loại khỏi vòng chiến nhanh chóng.
Giá thành sản xuất chùy cũng rẻ hơn nhiều gươm và giáo vì không cần trải qua công đoạn rèn sắc lưỡi hoặc cần đến loại thép tốt. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi chùy trở thành "vua chiến trường" thời Trung cổ.