Tấm bản đồ đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ tư, ngày 08/05/2024 09:30 AM (GMT+7)
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ một hiện vật gắn với cuộc đời binh nghiệp của Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Trường, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, người trực tiếp chỉ huy lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bình luận 0

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ một hiện vật gắn với cuộc đời binh nghiệp của Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Trường, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, người trực tiếp chỉ huy lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và câu chuyện về hiện vật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn chiến công của bộ đội pháo binh trong chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".

Vào cuối tháng 3/2017, ngay trước thềm kỷ niệm 63 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong ngôi nhà số 16, C7, Khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Trường, được nghe ông kể về tấm bản đồ đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi ấy, dù đã ở tuổi 99, song giọng ông vẫn hào sảng: "Bộ chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ đều bất ngờ, trong điều kiện gần như không có đường sá mà Việt Minh vẫn đưa được mấy chục khẩu pháo hạng nặng vào gần tập đoàn cứ điểm "bất khả xâm phạm". Đặc biệt là trong khi máy bay của họ đánh phá cả ngày lẫn đêm, biệt kích lùng sục khắp nơi mà không thể phát hiện được cả vạn người, tay kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn, vượt qua nhiều địa hình phức tạp, dốc sâu thăm thẳm".

Tấm bản đồ đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Hiện vật tấm bản đồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng theo Đại tá Đào Văn Trường, những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, chỉ huy Đại đoàn Công pháo 351 chỉ có trong tay tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000, thiếu nhiều chi tiết, việc chọn địa hình đặt pháo vô cùng vất vả. Đơn vị phải dùng ống nhòm, vừa đi vừa mở đường quan sát độ dốc, bổ sung từng ngọn núi, con suối không có tên trên bản đồ. Cách làm thủ công ấy khiến tầm nhìn của pháo binh bị hạn chế nhiều. Giữa lúc chiến dịch đang bước vào giai đoạn ác liệt thì đơn vị bất ngờ có được một "bảo bối". Theo đó, sau một thời gian tiến hành trinh sát, nắm tình hình địch, ngày 24/12/1953, một tổ trinh sát thuộc Đại đội 42, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 148 đột nhập vào khu trung tâm Mường Thanh để điều tra tình hình địch. Đến cứ điểm 203, bộ đội ta phát hiện một số đồ tiếp tế địch thả dù xuống, trong đó có một ống hình tròn bịt kín. Khi lấy được đồ, rút ra đến sông Nậm Rốm thì bị địch phát hiện. Đội trinh sát chống trả quyết liệt, một đồng chí anh dũng hy sinh. Sau khi trở về, đơn vị mở hộp ra thì thấy tập bản đồ tỷ lệ 1/25.000 cùng nhiều tấm ảnh cỡ 24x30cm, khi ghép lại hiện ra 49 cứ điểm đóng quân của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tấm bản đồ lập tức được chuyển về sở chỉ huy tiền phương thẩm định, sau đó, xưởng sản xuất bản đồ thuộc Bộ Tổng Tham mưu tiến hành vẽ, in gấp và phát cho các đơn vị. Chính nhờ "bảo bối" này mà pháo binh của ta đã triển khai các trận địa một cách dễ dàng theo phương châm "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung" mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã căn dặn. Có bản đồ, pháo 105mm của ta như có mắt, bắn chính xác vào các cứ điểm của Pháp.

Theo tài liệu lịch sử, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hơn 110.000 quả đạn pháo, cỡ 105mm trở lên. Trong khi đó, bộ đội ta chỉ bắn khoảng 20.000 quả đạn pháo 105mm. Một con số thấp hơn nhiều lần, nhưng hiệu quả đạt được rất cao. Sau này, khi viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà báo, nhà sử học người Pháp Bernard B.Fall, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Điện Biên Phủ-Một góc địa ngục" đã nhắc đến tấm bản đồ 1/25.000: "Nhờ có tấm bản đồ này, Việt Minh có điều kiện hiệu chỉnh đường bắn của pháo binh với độ chính xác cao nhất".

Nhìn lại tấm bản đồ cũ, ông Trường lặng đi trong giây lát, từng ngón tay run run chạm lên mặt giấy, giọng xúc động: "Nhờ nó, chúng tôi đã vẽ được các vị trí của địch và chọn địa điểm đặt pháo, hiệu chỉnh đường bắn. Tôi không nghĩ Chiến dịch Điện Biên Phủ lại kết thúc sớm như vậy, nên còn đánh dấu bằng mực màu đỏ đường chuyển pháo của ta trong trường hợp cuộc chiến kéo dài".

Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Trường tên khai sinh là Thành Ngọc Quản, sinh năm 1918, nguyên quán: Làng Bạch Mai, nay là phường Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tham gia cách mạng từ năm 1936, vào Đảng năm 1938. Từ tháng 6/1941 đến tháng 1/1942, ông hoạt động tại khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quân sự-Chính trị, tham gia thành lập Cứu quốc quân. Tháng 2/1942, ông bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhiều nhà tù và bị đày đi Côn Đảo. Từ năm 1947 đến 1950, ông là Phó tư lệnh Liên khu I, phụ trách Mặt trận Đường số 4 và Mặt trận Trung du. Năm 1950, ông Đào Văn Trường được phong quân hàm đại tá, được bổ nhiệm Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Giai đoạn 1953-1954, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Đào Văn Trường là Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351. Ông từ trần vào ngày 8/4/2017 do tuổi cao, sức yếu.

PV (Theo Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem