Trận chiến Longewala: 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi

Đăng Nguyễn Thứ sáu, ngày 10/05/2024 22:09 PM (GMT+7)
Ấn Độ nổi tiếng với những trận đánh không cân sức trước quân Trung Quốc ở biên giới, và họ cũng từng dạy cho quốc gia láng giềng Pakistan một bài học nhớ đời, trong cuộc chiến năm 1971.
Bình luận 0

Năm 1971, Pakistan mở đợt không kích phủ đầu vào 11 căn cứ không quân Ấn Độ, khơi mào chiến tranh Ấn Độ-Pakistan. Đây là một trong những cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử, khi kéo dài chưa đầy hai tuần.

Pakistan đặt mục tiêu tấn công Ấn Độ từ khu vực biên giới Longewala với 2.000 binh sĩ, một lữ đoàn bộ binh cơ giới và 45 xe tăng. Ngược lại, phía Ấn Độ chỉ có 120 lính biên phòng.

Trận chiến Longewala: 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi- Ảnh 1.

Những chiếc xe tăng Pakistan bị phá hủy hoặc bị bỏ lại được Ấn Độ đem về trưng bày.

Kế hoạch tấn công phủ đầu Ấn Độ

Tình hình cuối năm 1971 trở nên bất lợi với Pakistan khi Ấn Độ không ngừng hỗ trợ, thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập ở Đông Paksitan (nay là Bangladesh).

Tổng thống Paksitan Yahya Khan khi đó hiểu rằng không thể giữ Đông Paksitan được lâu hơn nữa trước sức ép từ phía Ấn Độ. Khan muốn tấn công phủ đầu, chiếm càng nhiều vùng đất do Ấn Độ kiểm soát càng tốt để làm công cụ trên bàn đàm phán.

Theo kế hoạch, Pakistan dựa vào không quân và lực lượng bộ binh cơ giới để tấn công chớp nhoáng vào phía tây Ấn Độ và sau đó lập phòng tuyến củng cố vùng đất chiếm được.

Pakistan huy động 2.000 binh sĩ, 45 xe tăng và một lữ đoàn bộ binh cơ giới, với mục tiêu chiếm Longewala, Ramgarh and Jaisalmer càng nhanh càng tốt.

Nhưng các chỉ huy Pakistan đã chủ quan khi không đánh giá kỹ tình hình ở Longewala, vì nơi này không phù hợp để bộ binh cơ giới có thể đánh nhanh thắng nhanh.

Tối ngày 3.12.1971, Pakistan tuyên chiến khi cho máy bay đồng loạt xuất kích, oanh tạc dữ đội các phòng tuyến ở tây Ấn Độ. Binh sĩ và xe tăng Pakistan cũng tiến đến Longewala sẵn sàng cho đợt tấn công vào tối ngày 4.12.

Trận chiến Longewala: 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi- Ảnh 2.

Binh sĩ Ấn Độ ăn mừng trên xe tăng chiếm được từ Pakistan.

Cùng ngày, lính biên phòng Ấn Độ đã phát hiện một lượng lớn xe tăng, binh sĩ Pakistan tập kết cho trận đánh ở Longewala.

Họ yêu cầu được yểm trợ bằng pháo binh và máy bay, nhưng nhận được mệnh lệnh rằng tiếp viện chỉ có thể đến vào sáng hôm sau.

120 lính biên phòng Ấn Độ do thiếu tá Kuldip Singh Chandpuri chỉ huy chỉ có vũ khí mạnh nhất là súng không giật M40 106 mm.

Đây là mẫu súng chống tăng hạng nhẹ, do Mỹ sản xuất, được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên và nhiều cuộc chiến khác cho đến nay.

Lực lượng đồn trú bị bao vây hoàn toàn, quân số ít ỏi và hỏa lực cũng lép vế so với đối phương. Sau một hồi suy tính, Chandpuri quyết định ở lại cầm chân quân Pakistan, chờ tiếp viện đến vào sáng hôm sau. Bởi các binh sĩ Ấn Độ có ưu thế phòng thủ hơn trong khi nếu rút chạy thì có thể vẫn không thoát được lữ đoàn bộ binh cơ giới Pakistan.

120 lính Ấn Độ quyết chiến trong đêm

Đồng hồ điểm đúng nửa đêm và thời điểm đến rạng sáng còn khoảng 6 giờ đồng hồ. Có thể nói đêm hôm đó là một đêm dài đối với cả những người lính Ấn Độ và Pakistan.

Pháo binh Pakistan nã đạn dữ dội ngay trong đêm về phía căn cứ Ấn Độ ở Longewala để dọn đường cho bộ binh cơ giới tiến vào. Lực lượng phòng thủ Ấn Độ không hề bắn trả cho đến khi xe tăng Pakistan tiến đến gần ở cự ly 12-30 mét.

Khi thời cơ đến, họ dùng súng không giật 106mm nhằm vào phần giáp mỏng nhất của xe tăng và loại khỏi vòng chiến đấu hàng loạt phương tiện cơ giới bên phía Pakistan.

Trận chiến Longewala: 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi- Ảnh 3.

Các máy bay Ấn Độ xuất kích vào sáng sớm hôm sau đóng vai trò then chốt vào chiến thắng.

Bộ binh Pakistan trong đêm tối vướng phải hàng rào dây thép của Ấn Độ và tưởng nhầm là bãi mìn nên loay hoay xoay trở. Những chiếc xe tăng bị bắn cháy và phát nổ soi sáng cả một khu vực chiến trường. Khói bốc lên cũng càng khiến binh lính Pakistan khó nhận diện mục tiêu.

Lực lượng xe tăng Paksitan chờ hai giờ để công binh có thể dò mìn nhưng phát hiện ra không hề có bãi mìn nào.

Đến lúc đó hàng chục xe tăng Pakistan mới bắt đầu tìm cách bao vây lực lượng Ấn Độ, nhưng lại vướng vào cát lún và không thể di chuyển. Những chiếc xe tăng này dễ dàng trở thành mồi ngon cho súng không giật M40.

Những kẻ tấn công trở nên bối rối, cả tiểu đoàn tăng thiết giáp biến thành gà để phi công Ấn Độ "vặt lông" vào sáng sớm. Ước tính Pakistan tổn thất 500 phương tiện vũ khí, bao gồm 34 xe tăng, 200 lính bộ binh thiệt mạng trong khi tổn thất bên phía Ấn Độ chỉ là 2 người.

Vài ngày sau, lực lượng tăng thiếp giáp tiếp viện Ấn Độ nhanh chóng mở đợt phản công nhằm đẩy kẻ địch lùi xa khỏi Longewala và thừa thắng quét sạch nốt quân địch còn chốt chặn ở Đông Paksitan.

Kết quả là vào ngày 16.12.1971, Pakistan phải tuyên bố ngừng chiến dịch quân sự, chấp nhận Đông Pakistan ly khai và trở thành quốc gia Bangladesh độc lập.

Chỉ huy đơn vị Ấn Độ ở lại cầm chân quân Pakistan, thiếu tá Kuldip Singh Chandpuri được phong tặng danh hiệu anh hùng và huân chương cao quý hạng hai Maha Vir Chakra.

Chiến công của những người lính Ấn Độ ở Longewala được phác họa trong bộ phim Bollywood mang tên "Biên giới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem