Tại sao lính dù được coi là những "thiên binh" xuất quỷ nhập thần?
Năm 1784, chính trị gia nổi tiếng Mỹ Benjamin Franklin đã vẽ ra viễn cảnh về một lực lượng "Thiên binh" khi viết: "Liệu có nhà lãnh đạo nào có thể rải quân khắp nơi để bảo vệ đất nước và ngăn chặn hàng chục ngàn binh lính từ trên trời rơi xuống làm loạn trước khi một lực lượng lớn được điều đến để đẩy lui họ?"
Đó chính là nhận thức sơ khai của người khai sinh ra nước Mỹ vào thế kỷ 18 về một lực lượng lính dù có sức mạnh khủng khiếp và là mối đe dọa kinh hoàng đối với bất cứ lực lượng phòng vệ nào trên thế giới. Tuy nhiên, đến mãi đầu thế kỷ 20, viễn cảnh do Franklin vẽ ra mới trở thành hiện thực, khi lính dù là lực lượng tấn công lợi hại của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong Thế Chiến II.
Cho đến đầu thế kỷ 19, những chiếc dù sơ khai do con người sáng tạo nên vẫn không phù hợp để thả người từ trên máy bay xuống đất. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi những chiếc dù này mở ngay tức thì sau khi người nhảy lao ra khỏi máy bay và bị vướng vào cánh quạt. Chính điều đó đã thôi thúc một diễn viên người Nga tên là Gleb Kotelnikov sáng tạo ra một loại dù mới đựng trong ba-lô, cho phép người nhảy có đủ thời gian an toàn để bung dù sau khi nhảy ra khỏi máy bay.
Sau phát minh này của Kotelnikov, chiếc dù cải tiến của ông đã trở thành một thiết bị cứu mạng vô giá cho rất nhiều phi công trên khắp thế giới, và dần dần nó thu hút sự chú ý của giới quân sự nhằm hiện thực hóa ý tưởng về một lực lượng "Thiên binh" xuất quỷ nhập thần.
Những năm tháng đầu tiên của thế kỷ 20 đã chứng kiến cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đầy ác liệt và đẫm máu. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và các loại vũ khí, khí tài hiện đại, các chiến thuật chiến tranh cổ xưa dần trở nên lạc hậu, và "chiến tranh chiến hào" lên ngôi, trở thành thứ chiến thuật chủ yếu trên các chiến trường.
Tác chiến trong chiến hào giảm thiểu tổn thất cho binh sĩ trước hỏa lực ngày càng mạnh của đối phương, tuy nhiên nó cũng tạo ra những cuộc chiến tranh giằng co trong một thời gian dài, nơi không bên nào có thể giành được ưu thế trước hệ thống hầm hào chằng chịt của đối phương. Nhiều trận chiến rơi vào thế bế tắc, buộc các nhà chiến lược quân sự phải vắt óc suy nghĩ để tìm ra biện pháp có thể chọc thủng được phòng tuyến kiên cố của quân địch.
Đầu năm 1917, sĩ quan Winston Churchill, người hồi đó là Tư lệnh quân đội Anh ở Pháp đã đề xuất thành lập một trung đoàn bộ binh có thể được thả xuống bằng máy bay vào phía sau phòng tuyến địch để phá vỡ thế bế tắc khủng khiếp trên chiến trường mặt trận phía Tây.
Churchill không phải là người duy nhất có ý tưởng này. Tướng Billy Mitchell, chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ trong Thế chiến I đã lên kế hoạch trang bị dù cho Sư đoàn Bộ binh số 1 và thả họ bằng máy bay ném bom cải tiến xuống vùng Mert ở Pháp nhằm phá vỡ phòng tuyến của quân Đức.
Theo kế hoạch này, khi đến mục tiêu, lính Mỹ sẽ trượt ra khỏi máy bay qua phần cánh và dù sẽ bung ra sau đó, đưa họ tiếp đất an toàn. Lực lượng nhảy dù này sau đó sẽ phối hợp với bộ binh hình thành 2 mũi giáp công, đánh úp quân Đức từ cả phía trước và phía sau để giành thắng lợi chóng vánh.
Kế hoạch này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 1/1919, tuy nhiên cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã chấm dứt trước khi cuộc tấn công bằng lính dù diễn ra.
Sau Thế Chiến I, quân đội các nước trên thế giới mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của lực lượng "Thiên binh" và bắt đầu tổ chức các lực lượng lính dù được huấn luyện đặc biệt của mình. Đến những năm 1930, Liên Xô đã xây dựng dựng cho mình một lực lượng lính dù cực lớn.
Năm 1933, Hồng quân Liên Xô thực hiện cuộc diễn tập nhảy dù đầu tiên trong lịch sử với sự tham gia của 62 lính dù. Ba năm sau, một cuộc diễn tập nhảy dù quy mô lớn với hơn 1000 quân tham gia được Hồng quân tổ chức, và họ thậm chí còn thả cả một đơn vị thiết giáp xuống bằng dù để yểm trợ cho lực lượng "Thiên binh".
Các động thái của Liên Xô được nhiều nước khác trên thế giới quan tâm và theo dõi sát sao. Trong thập niên 1930, các cường quốc như Nhật Bản, Đức và Ý đã đi theo thành công của Liên Xô để tiên phong xây dựng các lực lượng lính dù chính quy. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng lính dù của quân đội các nước trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Quân đội Pháp cũng thành lập các đơn vị lính dù đặc biệt, trong đó có một đại đội gồm 200 lính dù nữ được huấn luyện để làm công tác cứu thương nơi tiền tuyến.
Trong những năm cuối cùng của thập niên 1930, mặc dù viễn cảnh chiến tranh vẫn còn là một điều gì đó xa vời, nhưng quân đội các nước trên thế giới đều chắc chắn một điều: Nếu xung đột nổ ra giữa các cường quốc ở châu Âu, lính dù sẽ là một lực lượng vô cùng quan trọng trong cuộc chiến đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.