Để cải thiện bữa ăn, nhất là vào những ngày mùa khi đến vụ cấy hay gặt lúa, mẹ lại dặn tôi ở nhà lấy của o Hạnh (cô Hạnh) 4 bìa đậu phụ để rán. Mẹ tôi còn dặn thêm là nói với o ấy cho mẹ cháu ghi sổ (mua chịu) cuối tháng mẹ cháu qua trả tiền. Cũng dễ hiểu thôi, mấy sào ruộng của gia đình suốt 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông năm này qua năm khác được bố mẹ tôi đan xen cấy lúa, trồng ngô, nên chỉ khi đến vụ thu hoạch rồi bán lúa, bán ngô mới có tiền. Không thì trong chuồng có mấy con gà, cuối tháng bán tạm 1 vài con, chứ thường ngày nhà tôi cũng chẳng lấy gì làm dư giả.
Nhà cũng không gần chợ lắm, nên phải mất 4-5 cây số mới đến nơi, nên nếu không có ý định mua gì thêm thì lấy đậu phụ của o Hạnh trong làng là tiện nhất. Sáng, chiều o ấy đều đi bán quanh làng, đi qua nhà nào gọi tên nhà ấy.
Mà chẳng biết nơi khác thế nào, chứ đậu phụ quê tôi hồi ấy chỉ có giá 500 đồng 1 bìa, nhà tôi thường mua 4 bìa cho nhà 4 người ăn chỉ có giá 2 nghìn đồng, kích cỡ bìa đậu cũng tương tự như bây giờ, không quá to.
Đậu phụ đã mua, rau thì sẵn trong vườn, đến giờ thì tôi bắt đầu thổi cơm để kịp giờ bố mẹ tôi đi làm đồng về. Những miếng đậu trắng ngần, thơm mùi thơm đặc trưng của đậu nành được cắt thành từng miếng nhỏ cho vào chảo mỡ đang sôi trên bếp củi. Dùng đôi đũa lật qua lật lại để miếng đậu được chín đều và giòn, nhưng sơ ý thì nhiều khi bị mỡ bắn vào tay, rát phải biết.
Trên bếp củi đang đỏ lửa, những miếng đậu rán dần chuyển sang màu vàng, được nhanh tay gắp vào một cái đĩa nếu hôm đó tôi dự định đậu sẽ chấm nước mắm, còn không sẽ cho sang một cái nồi nhỏ kế bên nếu như tôi làm món đậu phụ rim nước mắm.
Dù chế biến đậu phụ theo cách nào thì tôi cũng đếm xem số lượng miếng đậu hôm đó sau khi hoàn tất việc nấu nướng là bao nhiêu miếng để có thể chia đều cho cả bữa trưa và bữa tối. Mẹ không dặn tôi phải chia, nhưng vì nhà tôi chỉ mua đậu phụ 1 lần vào buổi sáng, nên nó được xem là “món mặn” trong bữa ăn của gia đình tôi hôm đó. Nếu không chia thì bữa cơm chiều của gia đình không có “món mặn”, chỉ có rau luộc hoặc canh.
Đậu phụ tuy không phải là sơn hào hải vị, nhưng là món ăn có thể nằm trong khả năng chi trả của gia đình, vì vậy bữa cơm nào có đậu phụ cũng xem là bữa đó “thịnh soạn” lắm rồi.
Trong cái gió Lào nóng như lửa, thổi từng cơn ở miền quê Thanh Hóa, bố mẹ tôi - những người nông dân chất phác vẫn hàng ngày lam lũ với việc đồng áng, trồng cây ngô, cây lúa ngoài đồng, nuôi con gà, con vịt trong chuồng, lấy đó làm niềm vui và cũng là công việc chính. Cuộc sống chẳng mấy dư dả, nên những bữa cơm với 4 bìa đậu ăn cả ngày bố mẹ và anh em tôi vẫn cảm thấy vui vẻ, hài lòng.
Bây giờ khi cuộc sống đỡ cơ cực hơn, nhưng mỗi lần ăn cơm với đậu phụ rán, những ký ức trong tôi về bữa cơm quê bên gia đình thuở ấy vẫn giữ được nét chẳng thể diễn tả hết bằng lời.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305