Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"

Tiên Sa Thứ bảy, ngày 01/06/2024 09:24 AM (GMT+7)
Đến với núi rừng Trường Sơn hoang dã ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), vào mùa xuân, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ ruột (loom, tu) của cây riềng núi (parih).
Bình luận 0

Đó là một món ăn độc đáo, được ưa thích và hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu, bởi ruột riềng vừa giòn vừa có mùi thơm "cộng hưởng" xen kẽ với các mùi hương của riềng, sả và chanh, một hương thơm khó tả.

Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"- Ảnh 1.

Chị Koor Thị Nghệ giới thiệu đặc sản ruột riềng Tây Giang. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vừa qua, chúng tôi dừng chân trước gian hàng bày bán nông lâm sản của huyện Tây Giang tại một sự kiện diễn ra tại TP. Đà Nẵng, chị Cor Thị Nghệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp, sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch, trú tại thôn Ating, xã Gari (huyện Tây Giang), cho biết cây riềng núi được mệnh danh là cây thuốc đặc biệt, xứng đáng với danh hiệu thần dược của núi rừng Việt Nam. Trước đây, cây riềng núi thường xuất hiện ở những cánh rừng thấp, nơi có suối với độ ẩm cao và mọc thành bụi cao trung bình khoảng 2 mét.

Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"- Ảnh 2.

Ruột riềng từ Tây Giang trưng bày tại "Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây- Đà Nẵng 2022". Ảnh: Tác giả cung cấp

Đặc biệt, từ củ, thân, lá, hoa của cây riềng núi, người ta thu được dược chất và tinh dầu rất thơm, nên củ và lá, cùng ruột, được sử dụng để làm thuốc chữa một số bệnh và làm rau gia vị cho các món ăn thơm ngon và độc đáo. Tuy nhiên, do nhiều lý do khiến loài cây này hiện nay rất hiếm. Để thưởng thức món này, du khách cần "khăn gói" lên miền ngược Tây Giang , Nam Giang, khu vực giáp với biên giới Việt Lào. Hôm nay, chúng tôi mang một ít "rau rừng đặc biệt" này về đây để quảng bá văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu vùng cao xứ Quảng.

Chị Nghệ chia sẻ rằng khi đi rừng và gặp bụi riềng núi, họ thu hái ruột riềng bằng cách sử dụng liềm để chặt cả thân cây riềng, chỉ chừa đoạn dưới gốc khoảng 10-15 cm, với mục đích để bụi riềng có thể tái sinh và phát triển sau này. Sau khi chặt, họ bóc các lớp bẹ bên ngoài và lấy phần non (ruột) của cây riềng, sau đó đóng gói để mang về chế biến thành các món ăn.

Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"- Ảnh 3.

Bát cháo sắn nấu với cá suối, rau tươi và ruột riềng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ruột cây riềng núi có thể ăn sống bằng cách chấm với muối tiêu rừng (amót), rất ngon và thơm. Tuy nhiên, nếu chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào, hấp cơm, nướng chín với lửa than, hoặc cắt khúc nấu với thịt khô hoặc cá khô trong ống tre, thì ruột riềng núi trở thành một nguyên liệu tuyệt vời. Chỉ cần khoảng mươi ruột riềng núi là đủ để nấu một nồi canh với lá sắn non, ít thịt hay cá, phục vụ cả gia đình và tạo ra một trải nghiệm ẩm thực đặc trưng độc đáo.

Cháo ruột riềng là một món ăn phổ biến được chế biến từ bột sắn và ruột riềng. Bột sắn được hòa với nước, nấu chín để tạo ra một cháo ngon và thơm. Nước dùng cùng với ruột riềng, thịt, tôm, tép, ốc đá và rau tươi tạo nên một món cháo thơm ngon, khoái khẩu. Người già thích ăn món này vì không cần nhai.

Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"- Ảnh 4.

Nguyên liệu chính là cá suối và ruột riềng để nấu canh của người Cơ Tu vùng cao. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ruột riềng cũng được sử dụng trong nấu canh với cá suối (cá liêng, cá mương...). Cá suối ít có mùi tanh, nên khi nấu canh cùng với ruột riềng, rau, quả và măng tre nứa, tạo ra một món canh ngon và mát cơ thể.

Ruột riềng cũng là thành phần chính trong món xào với thịt gà, heo... Gần đây, một món ăn mới xuất hiện là "gà nhảy bụi riềng", được người Cơ Tu gọi là "Atưch chloong tu parih", được chế biến từ thịt gà và ruột riềng. Món này có vị bùi, béo, ngọt của thịt gà, vị giòn, ngọt, thơm của ruột riềng và các gia vị hòa quyện tạo nên một hương vị đặc biệt, bồi bổ cho cơ thể.

Kể chuyện làng: Lên Trường Sơn thưởng thức "ruột riềng"- Ảnh 5.

Bát canh cá suối nấu với ruột riềng với hương vị đặc trưng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Món "gà nhảy bụi riềng" có màu vàng của thịt gà, màu trắng ngà của ruột riềng, màu đỏ của ớt, tạo nên một bức tranh màu sắc rất bắt mắt. Món này thường được ăn kèm với đĩa rau sống bao gồm chuối cây xắt mỏng trộn với các loại rau thơm như rau má, ngò ta...

Những người sành ăn trên dãy Trường Sơn cũng thường ưa thích món "gà nhảy bụi riềng" này, và thậm chí sáng tạo câu thơ như: "Thơm ngon gà nhảy bụi riềng, Mời anh ăn thử sẽ ghiền cho xem."

Những người già Cơ Tu thường chia sẻ rằng "Ruột riềng ăn nhiều không bị nặng bụng như măng". Ngoài ra, ruột riềng thường được dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng... Người Cơ Tu thường nấu món "cháo parih" này khi xuân đến Tết về bởi ngày Tết ăn nhiều thức ăn khó tiêu, đặc biệt dành cho bố mẹ vợ, vì những người già thường hàm răng "cái rụng cái lung lay" nên món ăn này thơm, mềm dễ ăn nên được người già ưa chuộng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem