Kể chuyện làng: Chuyện từ chiếc nón lá

Nguyễn Quốc Lãnh Thứ bảy, ngày 25/05/2024 10:30 AM (GMT+7)
Xóm nhỏ tôi ở trước năm 1975 có nhiều nhà làm nón.
Bình luận 0

Bên phải nhà tôi là nhà ôn mệ (ông bà - PV) Kính. Chị Nẫm, chị Lê, chị Lựu và cả hai ôn mệ đều làm nón. Bên trái là nhà bác Kíp. Bác thường chụp ảnh cả nhà gửi qua ân nhân bên Pháp. Nghe nói hàng năm họ cấp học bổng cho các anh chị ăn học. Vậy mà bác gái và hai chị đầu vẫn chằm nón. Chị Kim có cách chằm nón thật khác lạ. Tay trên tay dưới, nhịp nhàng uyển chuyển lên xuống. Cứ như là múa. Bên kia đường là nhà ôn mệ Đồng. Ôn vót vành, mệ ủi lá, chị Mỹ Lệ, chị Mỹ Dung đều đặn chằm hàng ngày. Hình như đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Phía trước là nhà chú Chắc. Thím bán hàng xén ở chợ xép. Thành Tẹp một buổi đi học, một buổi chằm nón dưới sự giám sát nhắc nhở của chị gái đầu. Chỉ nhà tôi và nhà ôn Thiện có người con rể là chú Súy pháo binh thì chưa làm nón.

Dì Tuệ con ôn Thơm sau lưng nhà tôi chuyên thu mua nón thô rồi làm thêm các công đoạn như cắt múi nối của gấc (cước), nứt, đột, kết soài, đánh quai và đóng hàng qua chợ Đông Ba.

Kể chuyện làng: Chuyện từ chiếc nón lá- Ảnh 1.

Mấy cái khuôn nón trải qua thời gian. (Ảnh: Nguyễn Thị Vinh)

Những buổi mát trời, nhà này nhà kia đốt rác. Rác thường là phần đầu phần đuôi của chiếc lá nón và bùi nhùi tre được tạo ra khi vót vành. Mùi hăng hăng theo gió lan xa, lẩn quất quanh bờ tre tạo ra một mùi đặc trưng thân quen khác thường. Đêm đêm, nhà nhà ủi lá. Mùi khói than, phảng phất mùi nến nóng chảy và cả mùi vải cháy khen khét từ cái đùm lan vào trong giấc ngủ tuổi thơ tôi.

Đâu như cuối năm 1972, nhà tôi chính thức làm nón lá. Thực ra, trước đó thi thoảng mẹ tôi vẫn chằm, vẫn tập làm các công đoạn tạo nên chiếc nón như: vót vành, mở lá, ủi lá, đưa lên khuôn… Cũng đã mua mấy cái khuôn nhưng giấu tiệt ba tôi. Chỉ cần nghe tiếng nổ của chiếc xe máy BS ở ngã ba đầu xóm thì dẹp ngay hoặc giao lại tất cả cho các chị hàng xóm. Sự việc rôm rả trở lại khi tiếng xe máy đã rời xa vào đầu giờ chiều.

Thuở ấy ba tôi là lính kèn của Tiểu khu Thừa Thiên. Nhà có đến 9 miệng ăn nhưng nguồn thu nhập duy nhất là từ lương lính của ba tôi. Nhìn quanh xóm Giếng Khe thì hình như nhà tôi cũng đỡ. Có xe đạp để anh chị tôi thay nhau hoặc chở nhau đi học ở trường Quốc Học và Đồng Khánh. Cũng có ý định mua thêm một chiếc nữa. Ba anh em tôi học ở trường Tiểu học Cộng đồng Lê Lợi được ba đưa đón hàng ngày. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi được cho đi phố chơi hoặc đi xem phim ở Tân Tân, Hưng Đạo hoặc Z96. Mẹ tôi chăm mấy em nhỏ và cơm nước giặt giũ hàng ngày…

Những lúc rỗi rãi chị em trò chuyện thì mẹ tôi tập chằm nón cho vui tay từ chị Nẫm, chị Lê hàng xóm. Sau giờ học bài, chị tôi cũng tò mò học theo và thành thạo khi nào không biết. Những lúc mưa gió không đi chơi được, tôi ngồi hóng chuyện từ các mẹ, các chị và cũng tập châm những mũi kim đầu tiên ở vành thứ 9, thứ 10 trở đi và rất sung sướng được các chị khen khéo tay… Cứ ngỡ là làm cho thư giãn, làm như vui chơi nhưng không ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau đó thôi, cái nón lá là cứu cánh của gia đình tôi.

Kể chuyện làng: Chuyện từ chiếc nón lá- Ảnh 2.

Nón lá vừa xây xong. (Ảnh: Nguyễn Thị Vinh)

Sau khi chạy loạn năm 1972 từ Đà Nẵng trở về, gia đình tôi có thêm thành viên thứ 10. Áo quần và vật dụng sinh hoạt hàng ngày số bị mất khi cửa nhà bị cạy trong thời gian bỏ hoang cả tháng, số thì rơi rớt trên đường nên phải mua sắm lại để ổn định cuộc sống. Giá cả thị trường tăng cao và không có dấu hiệu dừng. Lương lính thì hầu như không thay đổi hoặc có tăng nhưng không theo kịp nhịp điệu thị trường. Bắt đầu khó khăn. Bắt đầu phải dè sẻn. Những khoản chi tiêu không cần thiết dần dần bị loại bỏ. Vẫn không đủ. Phải tìm nguồn bổ sung. Không biết tự khi nào, cả nhà tôi tập trung vào các công đoạn làm ra chiếc nón. Anh em tôi ngoài thời gian đi học còn phải mở lá hay đi mua lá ở lò sấy gần cầu Kho Rèn. Mẹ tôi vót vành, ủi lá và xây tạo trên khuôn. Ngoài giờ học, chị tôi, anh tôi tập trung vào chằm. "Chằm nón là nghề nhàn nhu/ Cái mặt sáng sủa cái khu tím bầm". Lời cảm thán ngẫu hứng của anh tôi cứ tưởng là hay nhưng suýt bị mẹ tôi đánh đòn. Theo bà như thế là phụ bạc cái công việc đang góp phần nuôi sống mình. Không còn thong thả, không còn vừa làm vừa chơi như trước. Tất cả với mục đích kiếm thêm tiền phụ với đồng lương lính của ba tôi.

Giữa năm 1974, mẹ tôi sinh thêm đứa thứ con thứ 9. Sinh mổ. Vết mổ bị nhiễm trùng. Phải dùng nhiều kháng sinh nên mất sữa. Vốn đã thiếu nay lại càng thêm túng. Không còn cơm sấy chất cả trăm bao trong thùng gạo. Không còn đồ hộp quân tiếp vụ lúc nào cũng sẵn trong gác-măng-giê. Đã phải đong gạo từng bữa ở nhà bác Quýnh. Ngay cả mắm muối dầu ăn dầu hỏa cũng phải nợ quán bác Trí ở chợ xép. Có khi tôi đem nón giao cho o Tuệ nhưng ra về tay không. Tiền đã mượn trước đó.

Lại sự kiện tháng 3/1975. Mấy mẹ con tôi trở về Huế vào giữa tháng Tư. Mỗi người chỉ còn một bộ áo quần trên người. Tòa Tỉnh (nay là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) là nơi ba tôi đóng quân trước ngày 26/3 cũng là nơi gia đình tôi bỏ lại phần lớn đồ đạc trước khi chạy xuống Thuận An lên tàu vào Đà Nẵng. Năn nỉ giải thích mãi các chú bộ đội gác cổng mới cho vào nơi mình mới ra đi chưa đầy tháng để xem thử có gì còn sót lại. Mẹ tôi mừng đến phát khóc khi thấy ba chiếc khuôn nón vẫn treo trên cao… Không còn gì hơn.

Kể chuyện làng: Chuyện từ chiếc nón lá- Ảnh 3.

Nón lá đang chằm (Ảnh: Nguyễn Thị Vinh)

Lại hối hả mở lá, ủi lá, vót vành, lên khuôn và cắm cúi chằm. Mỗi mũi kim như là một muỗng cơm. Cổng trường học đóng sập trước mặt tất cả anh em chúng tôi. Chỉ tập trung cho cái ăn trước mắt và dò tìm tung tích ba tôi. Xã hội cơ bản ổn định sau ngày 30/4. Nhịp sống đang dần trở lại bình thường. Giá nón rất cao bởi đang ít người làm. Ngoài trang trải cho cuộc sống hàng ngày mẹ tôi đã có vài đồng thừa ra làm lộ phí cho việc đi tìm ba tôi. Sáng mai dậy đi sớm nhưng đêm hôm trước bà phải thức đến 12 giờ khuya, xây cho được bốn năm cái nón để sẵn cho anh chị tôi chằm cả ngày. Ba bốn bà cùng cảnh ngộ đi bộ ra Ngã Sáu lúc chưa sáng mặt người. Vẫy tay trước đoàn xe Mô-lô-tô-va đang chạy từ nam ra bắc và hỏi thêm các chú bộ đội áp tải hàng về thông tin các trại cải tạo. Tân Lâm, Ái Tử, Cam Lộ… là những địa danh tôi lần đầu được nghe đến cùng với nỗi hồi hộp lo sợ nôn nao hy vọng có được tin tức ba mình.

Hình như vào khoảng cuối tháng 5, ba tôi từ trại cải tạo Ba Lòng trở về. Trắng tay. Gần hai mươi năm chỉ biết theo đoàn quân nhạc trong các nghi lễ tiếp đón quan khách hay tiễn biệt đồng đội về với đất mẹ giờ biết làm gì. Làm sao giữ được chiếc xe BS một thời gắn bó khi mà hai tay đã giơ cao lên quá đầu theo lệnh của các chiến sĩ giải phóng quân đang bắt loa kêu gọi đầu hàng từ 4 chiếc xe tăng xuất hiện trên bãi biển Thuận An vào buổi hoàng hôn của ngày giải phóng Huế.

Bàn ghế tủ giường lần lượt ra đi với hy vọng trì kéo sinh mạng em gái út đang bị hậu sởi. Không qua khỏi. Đành gửi em ở lại. Cả nhà lên A Sầu A Sao A Lưới A So theo diện đi kinh tế mới. Mấy lọn gấc quà tặng của người hàng xóm cùng với ba cái khuôn nón lại đồng hành với gia đình tôi trên vùng cao.

(Rất nhiều người được nhắc tên trên đây, kể từ khi nhà tôi đi kinh tế mới vào tháng 7/1975 đến nay, tôi không có thông tin. Chỉ những người biết chắc đã quá vãng thì xin gửi lời cầu nguyện (RIP), mong những người được/bị nhắc đến và người thân của họ hoan hỉ đón nhận).

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem