Trao đổi nhanh về vụ cháy ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, ngay sau khi nghe thông tin về vụ cháy, lãnh đạo Cục Kiểm lâm đã lập tức trao đổi với Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim để nắm tình hình.
"Qua báo cáo, đám cháy xảy ra vào trưa nay (11/6) ở khu vực vùng ven của Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu vực này có nhiều cây choại (là một loại cây dây leo đặc trưng của rừng tràm), chúng bám vào gốc các cây tràm giống như những bó đuốc, khu vực này vừa trải qua mùa khô, gặp đốm lửa, lại có gió thổi mạnh nên rất dễ phát sinh cháy", ông Thiện nói.
Cũng theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, hiện, lực lượng kiểm lâm, quân đội, lực lượng bảo vệ rừng của địa phương và Vườn Quốc gia Tràm Chim đã khoanh vùng được đám cháy và từng bước khống chế.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc khu vực này đã kết thúc mùa khô, bắt đầu có mưa, nguy cơ cháy rừng có còn ở mức nguy hiểm, ông Thiện cho biết, khu vực Nam Bộ đã kết thúc mùa khô, bắt đầu có mưa nhưng do nắng hạn kéo dài, lá, cây bụi bị khô nên rất dễ phát sinh cháy.
Về khả năng ảnh hưởng đến vùng sinh sống của loài sếu đầu đỏ, loài động vật hoang dã quý hiếm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, ông Thiện cho biết, khu vực có sếu đầu đỏ sinh sống là ở khu vực có đồng cỏ năn kim trong khi khu vực cháy là ở vùng ven.
Ông Thiện cũng đưa ra khuyến cáo, dù đã hết mùa khô nhưng người dân cần hết sức cảnh giác khi vào rừng, không được để phát sinh nguồn lửa.
Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm ở hạ lưu sông Mekong và trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với hơn 7.300ha, chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5 và phân khu C (dịch vụ hành chính).
Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với 6 kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm.
Vườn có 130 loài cá, 174 loài thực vật phiêu sinh, 110 loài động vật phiêu sinh, 23 loài động vật đáy; lưỡng cư, bò sát có 44 loài.
Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có sếu đầu đỏ - biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Sếu đầu đỏ có tên khoa học Antigone antigone, là loài chim quý hiếm thuộc Họ Sếu (Gruidae) và Bộ Gà (Gruiformes). Chúng được biết đến là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1.5-1.8 m; sải cánh từ 2.2-2.5 m; kích thước chiều dài cơ thể 1.76m và có trọng lượng trung bình 8-10kg.
Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đây là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.
Trong 10 năm qua, ở Campuchia và Việt Nam, quần thể sếu đầu đỏ hoang dã đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.