Đồng Tháp muốn chi 185 tỷ đồng để bảo tồn đàn sếu đầu đỏ 100 con cho 10 năm tới

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 30/11/2023 09:29 AM (GMT+7)
Đồng Tháp thực hiện đề án bảo tồn sếu đầu đỏ, với với hy vọng trong 10 năm, sẽ nuôi và thả 100 con sếu ra tự nhiên. Đề án có tổng kinh phí gần 185 tỷ đồng. Điều này, nếu chia ra, tương đương mỗi con sếu đầu đỏ sẽ phải chi hết 1,85 tỷ đồng.
Bình luận 0

Gần 185 tỷ đồng cho đề án bảo tồn sếu đầu đỏ

Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ có tổng mức đầu tư gần 185 tỷ đồng là thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban báo chí tháng 11 do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào chiều 29/11.

Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp tiêu tốn gần 185 tỉ đồng - Ảnh 1.

TS Trần Triết - Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á thông tin về việc Đồng Tháp cần bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ. Ảnh: Huỳnh Xây

Đề án đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt và sẽ được công bố vào ngày 14/12 tới đây tại vườn quốc gia Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông). Thời gian công bố cũng là lúc tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận được 2 con sếu đầu đỏ trong tổng số 60 con được chuyển giao từ Thái Lan.

Theo đề án bảo tồn sếu đầu đỏ của Đồng Tháp, trong 10 năm, sẽ nuôi và thả 100 con sếu ra tự nhiên, tối thiểu 50 con sống sót. Những con sống sót này có thể tự sinh sản và sinh sống quanh năm ở vườn quốc gia Tràm Chim.

Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2028, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 30 con sếu đầu đỏ (6 tháng tuổi) từ Thái Lan, giai đoạn 2029 - 2032 sẽ tiếp nhận thêm 30 con sếu đầu đỏ (6 tháng tuổi) còn lại.

Về kinh phí làm đề án, trong gần 185 tỷ đồng, sẽ dùng 56 tỷ đồng nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu đầu đỏ; dùng gần 25 tỷ đồng cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống; 36 tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững; gần 52 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng,...

Vì sao phải bảo tồn sếu đầu đỏ?

TS Trần Triết - Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, người đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề án bảo tồn sếu đầu đỏ cho biết, việc bảo tồn có ý nghĩa về tinh thần, đóng góp lớn về mặt văn hoá. Bởi lẽ, sếu là loài chim gắn liền với hình ảnh của vườn quốc gia Tràm Chim, của tỉnh Đồng Tháp cũng như vùng ĐBSCL.

Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp tiêu tốn gần 185 tỉ đồng - Ảnh 2.

Nhân viên ở Thái Lan nuôi và huấn luyện sếu đầu đỏ. Ảnh: ICF

Theo ông Triết, sếu đầu đỏ là loài được ưu tiên bảo tồn của Việt Nam và thế giới. Bởi sếu đầu đỏ ở Đông Dương, tức loài ở vùng Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Thái Lan có số lượng nhỏ và đang bị suy giảm rất nhanh trên toàn khu vực phân bố của nó. Việc tỉnh Đồng Tháp bảo tồn, khôi phục loài sếu đầu đỏ còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện công ước đa dạng sinh học.

Chưa dừng lại ở đó, việc bảo tồn sếu đầu đỏ không chỉ mang lại bao nhiêu con sếu, mà quan trọng hơn là góp phần phục hồi và quản lý tốt hệ sinh thái của vườn quốc gia Tràm Chim - vốn là một hệ sinh thái hình mẫu còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL.

"Đồng Tháp Mười là vùng rất rộng lớn nhưng hiện giờ còn khoảng 7.000 ha của vườn quốc gia Tràm Chim vẫn còn trong tình trạng tiêu biểu, có giá trị rất lớn, mang tầm quốc tế. Không phải tự nhiên vùng đất ngập nước của vườn Quốc gia Tràm Chim được thế giới chọn là khu ramsar thứ 2.000 của thể giới mà đây nhằm thể hiện giá trị quan trọng vùng đất này" - ông Triết nói thêm.

Còn Bà Lê Nhật Thùy - Phó Tổng giám đốc cao cấp Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, đơn vị giúp kết nối việc hợp tác chuyển giao sếu giữa tỉnh Đồng Tháp với cơ quan chức năng Thái Lan cho biết, Thái Lan đã có 20 năm để học tập, nghiên cứu và 10 năm gần đây đã dần phục hồi đàn sếu đầu đỏ lại được. Thái Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đó cho Đồng Tháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem