Ngày 3-6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00139 cho sản phẩm nghêu “Bến Tre” (theo Quyết định số 438/QĐ-SHTT). Chỉ dẫn địa lý nghêu Bến Tre do Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre quản lý.
Có 3 sản phẩm từ con nghêu được Sở Khoa học và công nghệ Bến Tre đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, gồm: con nghêu tươi (nghêu sống); con nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh; thịt nghêu hấp chín đông lạnh.
Theo Tổng Cục thủy sản, (Bộ NNPTNT) diện tích nuôi nghêu của Việt Nam năm 2010 khoảng 14.760 ha, đến năm 2019 tăng lên 19.200 ha, tập trung tại các tỉnh/thành ven biển từ Bắc tới Nam (Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh…).
Sản lượng nghêu tăng tương ứng từ 109.250 tấn lên 227.000 tấn. Nghêu của Việt Nam được xuất khẩu sang 42 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính là EU, Mỹ, Trung Quốc…
Mặc dù Việt Nam có nhiều vùng nuôi nghêu nhưng đến năm 2022 mới chỉ có duy nhất “Nghêu Bến Tre” được cấp Chứng nhận MSC (từ năm 2009).
Đây là chứng nhận do Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Chứng nhận này có giá trị 5 năm và đã được gia hạn lần thứ 2 đối với “Nghêu Bến Tre” từ năm 2016 - 2021 (Hình 4). Không chỉ ở trong nước, “Nghêu Bến Tre” còn là sản phẩm thủy sản đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chứng nhận MSC.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre họp lấy ý kiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý nghêu Bến Tre vào tháng 8-2022.
Chứng nhận MSC đã giúp sản phẩm nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang mong muốn sử dụng chứng chỉ MSC của “Nghêu Bến Tre” để xuất khẩu con nghêu sang thị trường cao cấp.