Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hạnh – giáo viên Trường mầm non Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, công việc của chị khá đặc thù, vất vả. Bình thường giờ làm việc chỉ 8 tiếng đồng hồ, nhưng công việc của một giáo viên mầm non có đặc thù vừa dạy vừa dỗ, vừa chăm sóc như bảo mẫu.
“Chúng tôi chăm các cháu nhỏ đã mệt nhưng nhiều khi cũng rất áp lực khi bố mẹ các cháu phàn nàn nọ kia. Đó là chưa kể các chính sách, trợ cấp… cho giáo viên mầm non còn rất hạn chế”, chị Hạnh nói.
Mới đây trong Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động”, chị Hạnh cùng nhiều giáo viên các trường mầm non khác đã đặt câu hỏi liên quan tới các chế độ chính sách về tiền lương, việc làm.
“Từ 1/7/2024, BHXH, BHYT của người lao động thay đổi như thế nào? Bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại thì độ tuổi về hưu có được thay đổi như yêu cầu là 55 tuổi hay không? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, mức lương sẽ được hưởng thế nào?”, chị Nguyễn Thị Hạnh, đặt câu hỏi.
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông BHXH Việt Nam cho biết: Tiền lương của người lao động hiện nay đang căn cứ trên hợp đồng lao động để đóng BHYT, BHXH. Do vậy, tỷ lệ phần trăm đóng BHXH và BHYT vẫn giữ nguyên, còn mức lương sẽ căn cứ trên HĐLĐ để thực hiện đóng.
Nếu đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức, nhà nước không còn lương hệ số mà chuyển sang lương theo mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo hợp đồng lao động. Tùy thuộc theo bảng lương nhà nước thực hiện như thế nào, cơ quan BHXH sẽ thu theo như vậy, đơn vị báo thay đổi theo mẫu của cơ quan BHXH (mẫu D02).
Hiện nay, ngành Giáo dục mới đang trình Bộ LĐTBXH công nhận nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Năm 2020, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư về ngành nghề nặng nhọc độc hại thì ngành Giáo dục vẫn chưa công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Nghề nặng nhọc độc hại có đặc điểm tùy thuộc đơn vị chủ quản công nhận trong cả hệ thống ngành nghề đó có nặng nhọc, độc hại hay không, sẽ nghiên cứu, đo đạc tất cả các yếu tố môi trường, sức khỏe, công việc… để rồi công nhận, sau đó ngành làm thủ tục đề nghị sang Bộ LĐTBXH. Khi nào Bộ LĐTBXH có văn bản công nhận thì khi đó mới được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại.
Khi được công nhận chức danh ngành nghề nặng nhọc độc hại thì lao động được về hưu trước 5 tuổi không bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
Lưu ý, đối với các đơn vị có môi trường nặng nhọc độc hại cần ghi rõ chức danh nghề trong hợp đồng lao động, không được thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về tiền lương, khi được công nhận nghề nặng nhọc độc hại, nếu là công chức, viên chức thì theo thang bảng lương nhà nước quy định, đối với các loại hợp đồng lao động thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.