Chậm tăng lương từ 1/7 khi cải cách tiền lương, công chức có được truy lĩnh?
Chậm tăng lương từ 1/7 khi cải cách tiền lương, công chức, người lao động có được truy lĩnh?
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 13/06/2024 15:22 PM (GMT+7)
Nhiều khả năng tiến độ cải cách tiền lương thời điểm 1/7 tới đây sẽ bị chậm vì các cơ quan quản lý chưa hoàn thiện và ban hành được các thông tư hướng dẫn. Vấn đề được nhiều lao động quan tâm lúc này là liệu họ có được truy lĩnh số tiền chậm nếu xảy ra hay không?
Sau khi biết Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7, nhiều lao động đang băn khoăn tự hỏi, giờ đã là thời điểm cận kề nhưng vì sao các thông tin về cải cách tiền lương, tăng lương vẫn chậm như vậy.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Ngần (30 tuổi), công chức quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chị cùng các đồng nghiệp rất ngóng tăng lương. Chỉ mong lương sớm tăng để các chị còn có động lực làm việc.
“Hiện nay, thu nhập của tôi ở mức chuyên viên chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng, cộng với 1, 2 khoản phụ cấp được chừng 6,8 triệu đồng/tháng. Với mức lương này chỉ đủ duy trì cuộc sống tối thiểu bản thân, khó lòng nuôi con cái. Cũng may chồng đi làm kinh doanh nên gánh đỡ được chi phí trong nhà”, chị Ngần nói.
Nghe tin sắp được tăng lương, nhưng sao chị Ngần vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thể tiền lương tăng sắp thoát cảnh "ăn bám chồng" nhưng cũng thấy lo vì giờ đã cận kề 1/7 nhưng chưa thấy tín hiệu nào của việc tăng lương cả.
"Không biết sau cải cách tiền lương, lương của tôi tăng được bao nhiêu? Nếu nhà nước chậm tăng lương từ 1/7 thì tôi có được truy lĩnh sau này không? ", chị Ngần băn khoăn.
Cùng chung niềm băn khoăn của chị Ngần, nhiều lao động cũng bày tỏ hy vọng nhà nước sớm triển khai công bố vị trí việc làm, thang bảng lương mới và tiền lương theo vị trí việc làm mới.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn - một công chức tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Đơn vị chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có văn bản, thông tư nào hướng dẫn phải làm gì tiếp theo. Nhất là chưa thấy thang bảng lương mới gắn với vị trí việc làm. Chúng tôi có thắc mắc thì lãnh đạo nói chưa có cơ sở để thực hiện".
Dự kiến mức tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức là 30%, sau năm 2025 chính phủ định kỳ tăng lương thêm 7% để bù trượt giá. Riêng khối doanh nghiệp, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương tối thiểu theo giờ. Thời điểm tăng lương cũng bắt đầu từ 1/7, mức tăng là 6%. Ngoài tiền lương, Chính phủ thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, thân nhân của họ, tăng trợ cấp hàng tháng và điều chỉnh các khoản tiền đóng BHXH… dựa trên mức tiền lương mới.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt ngày 13/6, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nếu các văn bản thông tư hướng dẫn cải cách tiền lương chưa được ban hành thì quá trình cải cách tiền lương có thể bị chậm lại. “Nhưng nếu đã công bố cải cách tiền lương từ 1/7 thì vẫn phải tiến hành, còn nếu lương chưa tăng tháng 7 thì tháng 8 tăng lương không sao. 'Cơm không ăn gạo còn đó'", ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, trong nhiều trường hợp nếu chậm tăng lương hưu, hoặc chậm tăng lương thì người lao động có thể được truy lĩnh số tiền đó vào các tháng tiếp theo.
Một chuyên gia tiền lương cũng cho rằng, Bộ Nội vụ cần sớm trình văn bản, thông tư, nghị định liên quan để Chính phủ trình Bộ chính trị phê duyệt. Nếu không có văn bản hướng dẫn, không có bảng lương mới theo vị trí việc làm thì các đơn vị không thể thực hiện.
“Rõ ràng lộ trình cải cách tiền lương đã được đề ra từ khá lâu, có các bước đi cụ thể. Đến thời điểm này cận kề 1/7 rồi nhưng vẫn chưa thấy ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn. Nhiều khả năng chậm tăng lương từ 1/7 tới”, ông này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.