Chuyên gia "bật mí" khi cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 15/06/2024 07:30 AM (GMT+7)
Thời điểm cải cách tiền lương đã cận kề, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn của các chuyên gia xung quanh việc xác định tiền lương gắn với vị trí việc làm.
Bình luận 0

Việt Nam đã trải qua 5 lần cải cách tiền lương

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt xung quanh nội dung cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới đây, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, từ trước tới nay,  Việt Nam đã thực hiện 5 lần cải cách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993, 2003 và 2024).

Cải cách tiền lương lần này được nhìn nhận có nhiều điểm đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây. Không chỉ đơn thuần là tăng lương, cải cách chính sách tiền lương lần này bỏ cách tính lương theo cách cũ (hệ số x với tiền lương cơ sở), thay đổi cách thức trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo với mức lương cụ thể, rõ ràng.

Chuyên gia "bật mí" khi cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm - Ảnh 1.

Tiền lương theo vị trí việc làm của công chức khác xa với tiền lương theo vị trí việc làm của lao động làm trong doanh nghiệp. Ảnh: N.T

Bà Hương cho biết, hiện nay lương khu vực công chức quá thấp. Mức tiền lương khu vực công chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng tiền lương của khu vực tư đã ở mức 7- 8 triệu đồng/người/tháng. Điều này khiến cho mặt bằng tiền lương có nhiều điểm bất cập, hiện tượng chảy máu chất xám diễn ra khá nhiều ở khu vực công.

Cải cách tiền lương từ ngày 1/7 có 3 điểm mới gồm: Tăng khoảng 30% so với mức lương hiện nay; Bỏ mức lương cơ sở; Trả lương theo vị trí việc làm. Đây là bước cải cách lớn trong quản lý.

“Một yếu tố quan trọng của cải cách tiền lương là ban hành vị trí việc làm. Vị trí việc làm sẽ thể hiện rõ đó là công việc gì?, cần có những tiêu chuẩn công chức nào?, đánh giá mức độ hoàn thành ra sao? Chính sách cải cách tiền lương lần này phải hướng tới xử lý bất cập đang tồn tại”, bà Hương cho biết.

Cải cách tiền lương: Tăng lương không thể chậm trễ!

Chia sẻ về những bước đi của cải cách tiền lương, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Một khi trung ương đã công bố cải cách tiền lương từ 1/7 thì trước sau gì cũng sẽ tăng lương. Có thể chậm tăng lương từ 1/7 do chưa ban hành xong các văn bản, quy định hướng dẫn, thực hiện nhưng sau đó vẫn sẽ lấy mốc từ 1/7. Nếu chậm lao động cũng có thể được truy lĩnh sau đó.

Bộ LĐTBXH cho biết thời gian từ nay đến ngày 1/7 (thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu vùng) còn không nhiều. Bộ LĐTBXH cũng đang khẩn trương xây dựng 3 nghị định liên quan tới: Tiền lương tối thiểu vùng; hướng dẫn chi trả chế đối với cho người có công; đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ cũng cho biết, đơn vị này đang hoàn tất các văn bản, thông tư, nghị định… có liên quan để trình Bộ chính trị phê duyệt nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây.

Chia sẻ thêm với PV Báo Dân Việt xung quanh câu chuyện tiền lương gắn với vị trí việc làm, bà Hương cho rằng: Tiền lương theo vị trí việc làm của công chức không giống với tiền lương theo vị trí việc làm trong các doanh nghiệp.

"Hiện nay các doanh nghiệp có bảng mô tả vị trí việc làm cụ thể ứng với từng cá nhân, từng công việc. Khi tuyển dụng doanh nghiệp cũng tuyển dụng lao động có trình độ, kỹ năng ứng với các vị trí đó và tiền lương cũng ứng với năng suất hiệu quả công việc đó", bà Hương nói.

Còn theo bà Hương, tiền lương gắn với vị trí việc làm của công chức có sự khác biệt lớn. Khu vực nhà nước, gồm cả công chức và người lao động làm theo hợp đồng. Người lao động vào công chức là vào hệ thống công vụ, anh có thể làm ở nhiều vị trí việc làm khác nhau, mỗi một vị trí gắn với một công việc, một mức tiền lương khác nhau.

"Tiền lương công chức không có sự thỏa thuận, anh vào công chức là chấp nhận mức lương theo vị trí được tính toán sẵn theo thang bảng lương. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của công chức không chỉ tác động cơ quan, đơn vị mà còn tác động tới toàn xã hội. Vì thế hiệu quả của việc xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm sẽ tác động tới toàn xã hội", bà Hương nói.

Bà Hương lấy ví dụ, có thể hôm nay anh là công chức cấp bộ, ngày mai anh được luân chuyển công tác ở cấp huyện, vị trí việc làm thay đổi vậy thì tiền lương theo vị trí việc làm đó cũng thay đổi. Nếu tiền lương tốt, phù hợp với vị trí việc làm sẽ thúc đẩy công chức cống hiến, làm việc từ đó tạo ra sự đột phá trong việc xây dựng, phát triển quốc gia.

"Nhà nước chỉ nên xây dựng thang bảng lương cơ bản, ứng với các vị trí việc làm cụ thể, còn hãy để cho người đứng đầu đơn vị quyết định ban hành chế độ tiền lương. Chỉ như vậy mới xây dựng chế độ tiền lương linh hoạt, thích ứng với cơ chế thị trường và phù hợp với từng vùng miền", bà Hương kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem