Nói đến làng cổ, không thể không nhắc đến nhà cổ. Những ngôi nhà mang kiến trúc Việt, qua nhiều thế hệ người dân sinh sống.
Từ những nếp nhà ấy, là truyền thống, nét đẹp văn hóa ông cha đã được trao truyền, cháu con tiếp nối. Với làng cổ Đông Sơn cũng vậy.
Những nếp nhà ngói lâu đời đã góp phần tạo nên không gian yên bình, thơ mộng của ngôi làng cổ bên bờ sông Mã.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trước đây, có đến 2/3 số nhà trong làng là nhà gỗ theo kiểu truyền thống: Mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng đá xanh.
Các gian chính giữa bài trí bàn thờ, tủ chè, sập gụ, bộ trường kỷ, hè và sân lát gạch. Nhưng ở thời điểm hiện tại, trong số 306 nóc nhà ở làng Đông Sơn thì hiện chỉ còn 12 nhà gỗ cổ - những căn nhà như những nét chấm nhỏ trong không gian làng.
Dẫu vậy, trong số những ngôi nhà gỗ còn đến hôm nay, phần nhiều đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Di tích nhà cổ của gia đình ông Lương Trọng Duệ là một trong số ít ngôi nhà gỗ lâu năm ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) còn giữ được vẻ đẹp vốn có.
5 năm trước khi tôi ghé thăm ngôi nhà gỗ của gia đình bà Lê Thị Túc, thấy ngôi nhà đã xuống cấp khá nhiều. Và 5 năm sau, do không được sửa chữa, hiện trạng ngôi nhà càng thêm xót xa.
Mái ngói dột, những mảng gỗ trong nhà mục nát, rơi vỡ... Bà Lê Thị Túc ngậm ngùi: “Tôi là con dâu, khi lấy chồng về đây đã có ngôi nhà này.
Tôi nghe chồng kể lại, ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm, khi xưa dựng được ngôi nhà như vậy không dễ”. Vừa nói, bà Lê Thị Túc vừa chỉ cho chúng tôi xem những mảng chạm khắc gỗ cầu kỳ, tinh xảo như minh chứng cho sự công phu của ông cha xưa khi làm nhà.
Vậy nhưng, cũng chính bà Lê Thị Túc tâm tình: “Hiện nay, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhà, nên đành phải ở như vậy. Và nếu có tiền, có lẽ ngôi nhà này cũng đã không còn?! Thay vào đó là làm nhà mới cho khang trang hơn! Cứ ở như thế này, quả thực cũng là điều bất đắc dĩ”.
Còn với gia đình ông Nguyễn Văn Tần (73 tuổi), căn nhà gỗ xưa với tuổi đời gần 100 năm tuy vẫn còn khá chắc chắn nhưng không gian ngôi nhà thì đã thay đổi. Toàn bộ diện tích xung quanh đã bê tông hóa, tôn hóa. Chẳng còn tìm thấy khoảnh sân, vườn cây như đã từng có, mái ngói lâu năm cũng đã hư hỏng nhiều. Điều đó khiến ngôi nhà gỗ dường như trở nên “lạc lõng” trong chính không gian ấy.
Ông Nguyễn Văn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn bày tỏ: “Tôi năm nay 68 tuổi, chỉ mới vài chục năm trước thôi, ở làng cổ Đông Sơn còn khoảng trên 50 nhà gỗ lớn, sau đó sụt giảm còn hơn 20 nhà và hiện tại chỉ còn 12 nhà.
Và nếu tình trạng này kéo dài, không biết thời gian tới số lượng nhà gỗ lâu năm trong làng cổ Đông Sơn sẽ còn bao nhiêu nữa. Thực sự rất đáng lo ngại.
Chưa kể, trong làng bây giờ mật độ xây dựng nhà cửa san sát, làng chẳng còn mấy nhà còn giữ được khoảng sân rộng, ao cá, vườn cây xanh mát nữa, đến cây cổ thụ cũng phải nhường chỗ cho bê tông, tôn, thép... Đó cũng là nguyên do vì sao, mùa hè vào trong làng rất nóng”.
Trong số ít những căn nhà gỗ lâu năm còn hiện hữu ở làng cổ Đông Sơn, nhà ông Lương Trọng Duệ (đã mất) ở ngõ Trí là ngôi nhà gỗ cổ hiếm hoi được bảo tồn khá nguyên vẹn cả về không gian cảnh quan và kiến trúc vốn có. Chính vì thế, nhà ông Lương Trọng Duệ cũng là điểm đến tham quan yêu thích của du khách khi về với làng cổ Đông Sơn.
Trò chuyện cùng ông Lương Thế Tập, con trai ông Lương Trọng Duệ, người “kế tục” giữ gìn và gánh trọng trách bảo tồn ngôi nhà cổ, được biết, ngôi nhà được xây dựng đầu thời Nguyễn, đến nay có niên đại trên 200 năm với 8 thế hệ nối tiếp nhau sinh sống.
“Mọi thứ đều sợ thời gian, nhà gỗ cổ cũng vậy, nếu không được thường xuyên duy tu, sửa chữa kịp thời sẽ rất dễ ảnh hưởng đến “tuổi thọ” của nhà".
Người dân làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mong mỏi những sai phạm ở một số di tích trong làng sớm được giải quyết dứt điểm (ảnh chụp tại di tích Miếu Đệ nhị thờ Thành hoàng làng).
Cũng theo ông Lương Thế Tập, nhà là tài sản riêng của mỗi gia đình, việc bảo tồn, gìn giữ nhà trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình. Tuy nhiên hiện nay số lượng nhà gỗ cổ truyền thống còn không nhiều, việc sửa chữa đòi hỏi sự hiểu biết và thợ có tay nghề giỏi, tốn kém kinh phí.
Đặc biệt, nhà gỗ lâu năm trong làng cổ Đông Sơn là một trong những thành tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp của làng cổ. Nếu nói bảo tồn giá trị làng cổ mà không còn nhà cổ thì sẽ vô cùng đáng tiếc.
Bởi vậy, nên chăng nhà nước cần có sự vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ người dân (những hộ gia đình khó khăn có nhu cầu) trong việc bảo tồn nhà gỗ cổ. Có nhiều hộ gia đình trong làng, không phải họ không muốn giữ lại nếp nhà trăm năm, mà vì điều kiện, hoàn cảnh thực sự rất khó khăn...
Sau trọn một ngày không quản ngại dẫn chúng tôi đi thăm các di tích lịch sử văn hóa, từng ngôi nhà gỗ lâu năm trong làng, chiều hạ đổ bóng, ngồi nghỉ trước sân nhà văn hóa làng, ông Nguyễn Văn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn, ngậm ngùi: “Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần dẫn các anh chị nhà báo đi tham quan, viết về làng cổ Đông Sơn nữa. Cũng chỉ mong, mỗi bài báo là một tiếng nói, để việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn sớm được hiện thực hóa, bằng những giải pháp thiết thực.
Tôi được biết, các cấp chính quyền và sở, ngành liên quan đang xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn gắn với phát triển du lịch”.
Hy vọng, đề án sớm được phê duyệt và thực hiện, để cùng với người dân làng Đông Sơn chung tay bảo vệ, gìn giữ những di sản quý giá".
Rồi vị trưởng làng cũng không ngần ngại bày tỏ: Làng cổ Đông Sơn khi xưa vốn có hệ thống đậm đặc các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa gắn liền với tín ngưỡng của người dân, vì nhiều nguyên do nên một số đã hư hỏng, mất đi.
Việc khôi phục, tôn tạo cần có thời gian và kinh phí. Người dân làng cổ Đông Sơn tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song vẫn sẵn sàng đóng góp kinh phí, chung tay cùng nhà nước trùng tu, tôn tạo và khôi phục, làm đẹp cảnh quan làng cổ.
Tuy nhiên, với những di tích còn hiện hữu, đã được xếp hạng, chúng tôi hy vọng được các cấp chính quyền, ngành chuyên môn vào cuộc quyết liệt, kịp thời ngăn chặn, giải quyết tình trạng một số di tích bị xâm hại, làm ảnh hưởng, như sai phạm tại di tích Động Tiên Sơn; miếu Đệ Nhị thờ Thành hoàng làng...
Việc giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại không chỉ trả lại cảnh quan, giá trị di sản mà cũng để người dân thực sự yên lòng...