Thanh Hóa: Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn và bản hương ước kỳ lạ đến vua cũng phải nể

Vũ Thượng-Ngọc Thọ Thứ tư, ngày 02/06/2021 05:45 AM (GMT+7)
Gia Miêu là ngôi làng cổ thuộc huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Đây được xác định là quê hương của Vương triều Nguyễn. Từ thời nhà Nguyễn đã gọi Gia Miêu là đất Quý hương, gọi huyện Tống Sơn là Quý huyện.
Bình luận 0

Clip dấu tích đình Gia Miêu hiện tại ở xã Hà Long, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa).

Bất kể lý do, trai làng phải về dâng hương lễ tế, Vua không ngoại lệ

Văn hóa làng xứ Thanh tự hào gọi tên làng Gia Miêu (thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung), đất quý hương của nhà Nguyễn. 

Cùng với những nét độc đáo của thế đất, thế sông, thế núi và những công trình kiến trúc của khu lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu, "văn hóa phi vật thể" của làng còn có một bản hương ước xuất hiện từ hàng trăm năm trước, khi Gia Miêu còn là trang: Gia Miêu ngoại trang. 

Trong bản hương ước của làng Gia Miêu có một khoản quy định, trai đinh của làng, bất kể sang hèn, bất kể giàu nghèo, bất kể làm ăn gần xa nơi đâu, hàng năm vào dịp tết phải về dâng hương tham dự lễ tế Thành hoàng, nếu ai sao nhãng sẽ bị làng căn cứ vào nội dung trong hương ước phạt vạ.

Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn ngày ấy và bây giờ - Ảnh 2.

Bên ngoài lăng miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại Trang, nơi đặt lăng mộ tổ tiên nhà Nguyễn ở Quý Hương, Quý Huyện (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), Ảnh tư liệu về Thanh Hóa tháng 3/1926.

Hương ước làng Gia Miêu nghiêm tới nỗi, theo như lời kể của các cụ cao niên ở làng, vào năm Thiệu Trị thứ 9, không hiểu nguyên do vì sao mà nhà vua lại không xa giá về quý hương tế Thành hoàng, tế miếu tổ.

"Chiểu" vào các khoản mục trong hương ước, làng đã cử một "phái bộ" gồm sáu mươi cụ bô lão đi bộ từ Gia Miêu vào kinh thành Huế trình lên đức vua bản hương ước. 

Nhà vua phải đích thân đến quán xá (nhà khách) thăm hỏi các cụ và tạ lỗi. Ngài tự nhận rằng, vì bận việc nước mà ngài đã trót sao nhãng trách nhiệm "trai đinh" của làng. Tạ lỗi rồi nhà vua cho thuê một người về Gia Miêu làm mõ cho làng sáu tháng để chuộc cái lỗi do... sơ suất.

Theo sử sách chép lại, có 5 vị vua triều Nguyễn đã về Gia Miêu ngoại trang, nền Phương Cơ dưới núi Triệu Tường (hay còn gọi là núi Thiên Tôn) tế bái tổ tiên. Đó là các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại.

Tại khu lăng miếu Triệu Tường ngày nay vẫn còn khắc bản dịch văn bia của Vua Minh Mạng: 'Đất lớn chúa thiêng/ Sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường/ Nêu rạng thánh võ'.

Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn ngày ấy và bây giờ - Ảnh 3.

Nguyên miếu (miếu Triệu Tường), nơi thờ tổ tiên nhà Nguyễn ở Gia Miêu Ngoại Trang xưa. Ảnh tư liệu.

Đất phát tích 9 đời chúa, 13 đời vua

Tương truyền sau khi cha mất, anh trai bị bức hại, chúa Nguyễn Hoàng là con thế cả của Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim đã tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin kế sách dựng nghiệp. 

Sau khi được Trạng Trình khuyên câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", Nguyễn Hoàng đã xin triều đình đi trấn thủ xứ Thuận Hóa để mưu đồ tạo dựng sự nghiệp riêng cho họ Nguyễn. 

Năm 1558, rời Gia Miêu Ngoại Trang, Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn về phương Nam khởi lập lên xứ Đàng Trong với sự nghiệp mở mang bờ cõi lẫy lừng, trải qua 9 đời chúa, 13 đời vua.

Thế hệ tiên phong theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam phần lớn là người huyện Tống Sơn - nay là huyện Hà Trung. 

Chính sử nhà Nguyễn gọi là Quý huyện, Quý hương được chính sử nhà Nguyễn ghi chép như Tống Phước Trị, Trương Phúc Gia, Tống Hữu Sĩ... đều người huyện Tống Sơn (Hà Trung).

Những người này làm quan nhà Lê, có công trợ giúp đắc lực cho Nguyễn Hoàng khi ông vào làm Trấn thủ Thuận Hóa. 

Đình Gia Miêu nơi phát tích vương triều Nguyễn - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hữu Thoại - Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoa) chỉ, kể với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về cảnh sắc Gia Miêu trước năm 1945.

Thế hệ người Thanh Hóa kế tiếp trong sự nghiệp mở cõi có thể kể đến các danh nhân nổi tiếng như Đào Duy Từ, người huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia), mưu sĩ tin cậy của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, là người có công lao  to lớn đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Hay Nguyễn Hữu Tiến, người huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia), là một bậc võ tướng tài năng, có nhiều đóng góp cho chính quyền Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần

Và Nguyễn Hữu Dật, con tham tướng Nguyễn Triều Văn, người huyện Tống Sơn (Hà Trung), cùng Đào Duy Từ trông coi việc quân, đắp lũy Trường Dục, xây hào phòng chống quân Đàng Ngoài tấn công vào.

Các con của Nguyễn Hữu Dật đều là những bậc võ tướng tài năng, có công rất lớn trong quá trình mở mang lãnh thổ phía Nam như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh. 

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh kinh dinh miền đất Nam bộ, đặt phủ Gia Định, đặt doanh Trấn Biên, Phiên Trấn, đưa 4 vạn hộ dân ở miền Trung vào khẩn hoang, lập xóm ấp.

Nguyễn Cửu Kiều, người huyện Tống Sơn (Hà Trung), từng phụng sự các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần có công lao rất nhiều. 

Hậu duệ của Nguyễn Cửu Kiều đều là những võ tướng tài năng có công mở mang lãnh thổ phía Nam như Nguyễn Cửu Thế (cháu nội), Nguyễn Cửu Vân (cháu nội), Nguyễn Cửu Triêm, Nguyễn Cửu Pháp (tằng tôn); Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Dật (huyền tôn)...

Kiến trúc độc nhất vô nhị, có một không hai

Di tích đình làng Gia Miêu là một công trình kiến trúc gỗ cổ vô cùng giá trị, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1804, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường.

Đình Gia Miêu là công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế với nhiều mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ. Những mảng chạm khắc này được thể hiện ở vì nóc, đầu các xà đai, kẻ bẩy, đường diềm... Ngoài ra, các linh vật như rồng, lân, rùa... cũng được trang trí hết sức công phu, tinh tế.

Bên cạnh đó các con thú khác như hươu, chim sẻ, thạch sùng, cũng được điểm xuyết trên các bức cốn mê hay kẻ bẩy. Các con vật này được chạm khắc rất thực, sinh động, như được thổi hồn.

Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn ngày ấy và bây giờ - Ảnh 5.

Miếu Triệu Tường hiện nay.

Hình tượng lá cúc cách điệu và lá sen được chạm khắc phổ biến trong toàn bộ trang trí nội thất ngôi đình. Với cách trang trí này không hề gây ấn tượng đơn điệu, ngược lại còn làm tăng sự uyển chuyển, mềm mại của cả công trình.

Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình Gia Miêu có một mối quan hệ hữu cơ. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc hình thái "nửa kiến trức, nửa điêu khắc" là đặc điểm bao trùm toàn bộ công trình. 

Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn ngày ấy và bây giờ - Ảnh 6.

Linh vật như rồng, lân, rùa... cũng được trang trí hết sức công phu, tinh tế trên đình Gia Miêu (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Ở đây ngoài những thuộc tính của kiến trúc, thì những phẩm chất của điêu khắc bao gồm các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường…đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, làm tăng thêm vẻ bề thế tôn nghiêm trong một không gian kiến trúc hiện thực giàu chất thơ. 

Rõ ràng, sự đầu tư trí tuệ của con người đã nâng hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên cả ba bình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng.

Nơi đây còn có nhà thờ họ Nguyễn Hữu cũng là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của thời Nguyễn còn sót lại. Công trình đã được xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 2002.

Làng Gia Miêu, nơi phát tích vương triều Nguyễn ngày ấy và bây giờ - Ảnh 7.

Theo ông Nguyễn Hữu Thoại - Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc hình thái "nửa kiến trức, nửa điêu khắc" là đặc điểm bao trùm toàn bộ công trình đình làng Gia Miêu.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu thờ Nguyễn Công Duẩn - Bình Ngô khai quốc công thần triều Hậu Lê, được vua Lê Thái Tổ phong làm Thái Bảo Hoành Quốc Công, bên dưới thờ Nguyễn Đức Trung, được vua Lê Thánh Tông phong là Thái úy Trinh Quốc Công và Nguyễn Văn Lang, được Tương Dực Đế phong tước Nghĩa Quốc Công và Nguyễn Kim, được vua Lê Trang Tông phong tước An Thành Hầu, Thái sư Hưng Quốc Công. 

Đình Gia Miêu dựng trên một khu đất rộng, thoáng đãng với diện tích 364m2. Tòa Đại Đình gồm 5 gian, 2 chái. Xưa kia, đình là nơi hội họp của các chức sắc trong huyện, phủ và là nơi để tuyển quân, luyện quân, cung cấp quân đội cho nhà Lê. Đây cũng là nơi lễ, tế, hội họp của làng Gia Miêu.

Gia Miêu Ngoại Trang, nay thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung - là nơi phát tích của vương triều Nguyễn và trở thành mảnh đất quý hương thờ tổ tiên Nhà Nguyễn. 

Trải qua biến cố lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nơi đây đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dấu tích về một thời hoàng kim của vùng cung vua phủ chúa vẫn còn mãi đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem