Thanh Hóa: Nghè cổ Nguyệt Viên thờ nữ Thành hoàng và 18 ông tiến sĩ ở làng khoa bảng

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ năm, ngày 26/08/2021 05:20 AM (GMT+7)
Ngôi làng cổ Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) nằm bên bờ sông Mã. Nguyệt Viên mang đặc trưng của làng xã người Việt thuần hậu, yên bình và đậm đà bản sắc văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ một di tích nghè cổ thờ nữ Thành hoàng của làng khoa bảng, được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ.
Bình luận 0

Clip: Nghè cổ Nguyệt Viên - nơi thờ nữ Thành hoàng độc đáo của làng cổ Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá).

Truyền thuyết nữ Thành hoàng làng là con gái vua

Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi về thăm làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Theo người dân ở đây, làng Nguyệt Viên xưa không chỉ nổi tiếng với truyền thống học hành khoa bảng, mà còn là nơi gặp gỡ của tuyến giao thương Bắc - Nam bằng đường thủy.

Vì vậy, làng Nguyệt Viên sớm hội tụ văn hóa đặc trưng của làng xã người Việt…

Hiện ngôi làng này vẫn giữ được nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét đặc trưng văn hóa làng Việt, trong đó có nghè Nguyệt Viên. 

Nghè Nguyệt Viên được xây dựng từ năm 1593 để thờ công chúa Mai Hoa, một nhân vật trong truyền thuyết được người dân suy tôn là Thành hoàng làng. Đây cũng là công trình nhằm tôn vinh sự học của làng khoa bảng trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 2.

Nghè Nguyệt Viên ở xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Hoài Thu

Ông Cao Xuân Mạc - Trưởng Ban quản lý di tích làng Nguyệt Viên cho biết, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, hàng năm có nhiều nhà nghiên cứu, du khách thập phương vẫn thường ghé thăm nghè. 

Có người từng qua đây và miêu tả nghè Nguyệt Viên "tựa như một búp sen từ từ mở cánh tỏa sắc, khoe hương và soi bóng vào mặt gương trong của dòng Mã giang".

Theo ông Mạc, khác với nhiều di tích lịch sử trên cả nước, nhất là đình, đền, người được thờ ở nghè Nguyệt Viên lại là một nữ Thành hoàng làng - với bài vị ghi rõ "Chương vĩ dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần".

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 3.

Tấm bia khắc tên những người có công đóng góp để tôn tạo, trùng tu nghè Nguyệt Viên cách đây hàng trăm năm. Ảnh: Hữu Dụng

Người dân làng Nguyệt Viên vẫn tin rằng, công chúa Mai Hoa vì cảm mến tài cao học rộng của ông Nghè Đờn (quê ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nên khi ông từ quan về quê, bà đã bí mật tìm theo. Tuy nhiên, giữa đường bị lạc, công chúa Mai Hoa không thể tìm thấy quê của ông Nghè Đờn.

Quá thất vọng, chán chường, bà đã gieo mình xuống sông Mã, đoạn chảy qua làng Nguyệt Viên và được ông tổ họ Nguyễn làng Nguyệt Viên vớt xác đem chôn cất tại Cồn Trạch. 

Dân làng Nguyệt Viên lấy ngày chôn cất bà (mùng 10 tháng 2 âm lịch) làm ngày giỗ và suy tôn bà làm Thành hoàng làng.

Về sau dân làng Nguyệt Viên góp công, góp của cùng dựng nghè phụng thờ hương khói công chúa Mai Hoa.

Nghè Nguyệt Viên- phong cách kiến trúc cổ kính, độc đáo

Nghè Nguyệt Viên nằm trên một diện tích khá khiêm tốn, chỉ chừng 2.500 m2, quy mô kiến trúc cũng không lớn. Tuy nhiên, công trình nghè Nguyệt Viên được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ lại có nhiều nét kiến trúc cổ kính độc đáo. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà nghiên cứu từng về đây phải kinh ngạc.

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 5.

Bức đại tự bên trong nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quan, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoài Thu

Ông Mạc cũng cho biết, trước đây, nghè nằm trong khuôn viên có quy mô lớn của làng, ngay phía bên có ngôi chùa và đình làng 9 gian, có giếng nước, chiếc cầu đá cùng nhiều cây cổ thụ quanh năm xanh tốt với cảnh quan rộng rãi, thoáng mát. 

Tuy nhiên qua thời gian, các công trình như chùa, đình làng, giếng cổ, cầu đá cổ, cây cổ thụ đều bị dỡ bỏ, để lại duy nhất nghè này.

Nghè Nguyệt Viên có cấu trúc 1 gian 2 chái, bố cục gần giống hình vuông, kết cấu vì kèo khá đặc biệt. 

"Những người thợ xây dựng đã nâng cao và mở rộng giá chiêng ở trên câu đầu (dầm ngang chính đặt trên cùng) thành một tầng lầu thứ hai nhưng không có sàn, tạo cho không gian bên trong nghè rộng rãi. Phía ngoài mái cũng tạo thành hai lớp, giữa hai lớp có thêm cổ diêm cao với nhiều cửa sổ con làm cho nội thất công trình sáng sủa, thoáng đãng.

Loại kiến trúc hai lớp mái này được gọi là "trùng diêm", xuất hiện cuối thế kỷ XVIII (chùa Tây Phương của tỉnh Hà Tây cũ là ví dụ), đến công trình nghè Nguyệt Viên thì đã hoàn chỉnh hơn. Kiểu kiến trúc này khiến công trình cao ráo, đơn giản mà thanh thoát, và chắc chắn", sách "Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa", Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2000 đề cập.

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 6.

Các hình ảnh đầu rồng, phượng, lân được chạm khắc mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn toát lên được sự sắc sảo, uy nghi bên trong nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.. Ảnh: Hữu Dụng

Ngoài ra, bộ khung gỗ của nghè Nguyệt Viên vững chắc, bề thế với những mảng chạm khắc nghệ thuật các linh vật, hoa lá tỉ mỉ. 

Các hình ảnh đầu rồng, phượng, lân được khắc vào từng vị trí cố định trên các đầu dư, rường, các góc đầu nối với các cột cái... một cách mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn toát lên được sự sắc sảo, uy nghi. Các cột gỗ lim to vững vàng trên các hòn đá tảng kê chân chắc chắn.

Tham quan nghè Nguyệt Viên, người xem cũng nhận ra đề tài "lân" tại đây chiếm số lượng lớn, chạm khắc với nhiều tư thế: con bơi trên mặt nước; con thì lưng cõng một vòng có hình bát quái của "Hà đồ lạc thư"; con lại trong tư thế nằm ngửa... Kỹ thuật chạm khắc linh vật ở nghè Nguyệt Viên nhiều lớp tạo nên chiều sâu thu hút.

Kiến trúc cầu kỳ đẹp mắt cùng với những đường nét điêu khắc nghệ thuật tinh xảo khiến nghè Nguyệt Viên thêm phần linh thiêng, trang trọng vừa thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân trong làng. 

Kiến trúc độc đáo của nghè Nguyệt Viên cũng chứng tỏ nét tài hoa, tay nghề tinh xảo, đầu óc sáng tạo của những người thợ Việt Nam từ thời xa xưa.

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 7.

Bên trong nghè có danh bia 11 vị tiến sĩ của làng Nguyệt Viên đỗ đạt cao trong các kỳ thi dưới thời phong kiến. Ảnh: Hoài Thu

Điểm tựa tâm linh cho dân làng và du khách thập phương

Ông Cao Xuân Mạc cho hay: "Nghè Nguyệt Viên ngoài thờ Thành hoàng làng là công chúa Mai Hoa còn thờ các vị tiến sĩ đỗ đạt khoa cử. Bên trong di tích có tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ của làng Nguyệt Viên đỗ đạt thời phong kiến. Mở đầu là Tiến sĩ Nguyễn Trật (thời vua Lê Thần Tông) và người cuối cùng của làng, cũng là cuối cùng của cả nước thi đỗ tiến sĩ thời phong kiến là cụ Phó bảng khoa thi Kỷ Mùi 1919 Lê Viết Tạo".

Từ xưa, việc coi trọng sự học đã tạo nên bản sắc cho ngôi làng Nguyệt Viên. Và như một niềm tự hào về truyền thống khoa bảng, đỗ đạt, người dân trong làng vẫn lưu truyền câu ca: "Nguyệt Viên 18 ông Nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng".

Nghè cổ Nguyệt Viên, điểm tâm linh của người dân “làng khoa bảng” - Ảnh 8.

Cổng nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Hữu Dụng

Trải qua nhiều thế kỷ, nghè Nguyệt Viên giờ đây không chỉ là "điểm tựa" tâm linh cho người dân địa phương mà còn là điểm đến tham quan của du khách gần xa khi về với làng cổ Nguyệt Viên.

Bà Lê Thị Tâm (người dân làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa) nói: "Theo truyền thống từ xa xưa, cứ vào sáng mùng 1 tết, những người đỗ đạt trong làng, người theo con đường học hành, khoa cử lại ra nghè dâng hương, đàm đạo. Hiện nay, các cháu học sinh cũng được bố mẹ dẫn ra nghè dâng lễ, cầu xin sự phù trợ hanh thông, may mắn trong học tập".

Hằng năm, vào mùng 10 tháng hai âm lịch, lễ hội nghè Nguyệt Viên lại được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Lễ hội thu hút đông đảo người dân trong vùng bởi các hoạt động mang tính cộng đồng cao, như đua thuyền trên sông Mã, kéo hẹ, tú huần, hát đối...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem