Sông Ba-dòng sông dài nhất sườn Đông Trường Sơn-miệt mài xuôi từ đỉnh Ngok Rô (tỉnh Kon Tum), đưa nước về Biển Đông (tại tỉnh Phú Yên).
Với chiều dài hơn 300 km, sông Ba có đoạn êm đềm qua những cánh đồng màu mỡ, có nơi cuồn cuộn thét gào giữa rừng núi thâm u.
Trên con đường từ nguồn về xuôi ấy, Gia Lai là địa bàn được dòng Ba ưu ái, cất giấu bao bí ẩn từ dấu vết gần triệu năm của loài người đến những giá trị vật thể, phi vật thể hiện hữu hôm nay. Sông Ba xứng danh là dòng sông di sản.
Theo nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS. Trần Tân Văn, TS. Nguyễn Xuân Nam, KS. Nguyễn Chiến Đông và các cộng sự trong đợt khảo sát năm 2017, vùng thượng nguồn sông Ba (Đông Bắc Gia Lai) nằm ở rìa Tây-Tây Nam của địa khối Kon Tum-một trong những địa khối chứa loại đất đá cổ nhất Đông Dương (có tuổi 2,5 tỷ năm).
Dòng sông Ba-dòng sông di sản đoạn qua địa phận thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Thế nhưng, chính khu vực này cũng chứa những loại đá trẻ nhất Việt Nam. Thú vị hơn là cả những loại đá già nhất và trẻ nhất Việt Nam này đều được đặt tên theo các địa danh của Gia Lai.
Ví dụ: đá rìa khối nâng Kon Tum có tên phức hệ Ka Nak (tên của thị trấn huyện lỵ Kbang), vì tại Ka Nak, các nhà địa chất đã phát hiện phần lộ rõ nhất, đẹp nhất của rìa khối nâng. '
Hệ tầng Kon Kok (Kon Cot) có tuổi 2,5 tỷ năm, lộ nhiều ở thượng lưu sông Ba cũng được lấy theo tên của một làng Bahnar ở huyện Kbang. Bên cạnh những loại đất đá có tuổi già nhất kể trên, thượng nguồn sông Ba còn có đá basalt (phức hệ đá macma xâm nhập/phun trào) là loại đá có tuổi trẻ nhất Việt Nam.
Qua nghiên cứu, các nhà địa chất cũng đã chỉ ra những giá trị về cảnh quan địa hình vùng thượng nguồn sông Ba.
Theo đó, các di sản thành tạo do phun trào basalt, tạo cho địa hình cao nguyên những thác nước hùng vĩ, tuyệt đẹp như thác 50 là ranh giới đá granite và basalt, liên quan đến hiện tượng xâm thực giật lùi. Trên thác có cả basalt dạng cột (hình thành từ quá trình nhiệt độ giảm, co thắt tạo nên).
Thác 40 có vỏ phong hóa ở dưới lớp basalt. Trong một địa danh được tạm gọi là thác Bom Đạn cũng có 1 chuỗi lên tới 4 thác nước tuyệt đẹp. Ngoài ra ở Kông Chro, Kon Jrăng có nhiều đá basalt cột, tạo nên những cột đá như được sắp xếp ngoạn mục bởi bàn tay kỳ bí của tạo hóa.
Các di sản về đặc điểm vỏ phong hóa như đá basalt cho màu nâu đỏ, đá granite phong hóa có màu nâu sáng... cùng biểu hiện hoạt động tân kiến tạo (nâng, đứt gãy, mặt trượt...) tạo cho vùng những cảnh sắc thiên nhiên tựa trong tranh.
Các nhà địa chất cho rằng, ở phương diện địa mạo, những vết lộ địa chất với cấu tạo đặc biệt của đá hay những kiến trúc lạ mắt trên đều xứng đáng xếp vào hàng di sản.
Dọc sông Ba, trước năm 2014, người ta chỉ biết nơi đây có những cánh đồng An Khê, Cheo Reo, Phú Túc... đã được con người khai phá từ lâu. Nhưng chắc chắn chưa một ai từng nghĩ rằng, thượng nguồn của con sông này còn là một trong những cái nôi của loài người.
Năm 2014, khi triển khai đề tài Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai chủ trì, nhà khảo cổ học Phan Thanh Toàn đã phát hiện 3 địa điểm “nghi là đá cũ”.
Để có thêm cứ liệu khoa học, cũng trong năm này, từ nguồn kinh phí đề tài Điều tra khảo cổ học vùng thượng lưu sông Ba của Viện Khảo cổ học Việt Nam, các di tích thời đại đá cũ An Khê dần được đưa ra ánh sáng.
Hơn 3 năm qua, 21 địa điểm Đá cũ tại An Khê đã được các nhà khảo cổ học Việt-Nga phát hiện. Trong đó, các địa điểm đã được khai quật, thám sát là Gò Đá (1 địa điểm) và Rộc Tưng (3 địa điểm).
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, các di tích đá cũ đã được khai quật ở An Khê đều có địa tầng nguyên vẹn.
Các nhà khảo cổ học nhận diện kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê chủ yếu dựa vào các đặc trưng tiêu biểu, điển hình của tổ hợp công cụ đá, được làm từ đá cuội sông suối tại địa phương, mà chủ yếu là đá thạch anh (quartz), thạch anh biến tính (quartzite) và đá sét silic.
Những loại hình công cụ chính tìm thấy trong các di tích này là: công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, công cụ ghè hết 1 mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện, công cụ chặt dạng chopper, choping, dao, nạo, hòn ghè, chày, hạch đá và mảnh tước.
Để xác định niên đại, các nhà khảo cổ học đã phân tích 2 mẫu tektite (thiên thạch) bằng phương pháp K/Ar tại phòng thí nghiệm đồng vị địa hóa học và địa thời học IGEM RAN (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), cho kết quả: mẫu ở địa điểm Gò Đá là 806±22 ngàn năm và mẫu ở địa điểm Rộc Tưng là 782±20 ngàn năm.
Như vậy, những di chỉ đá cũ An Khê nằm trong khung thời gian khoảng 800.000 năm cách ngày nay. Với phát hiện này, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước so với những hiểu biết trước đây.
Chủ nhân cư dân khung niên đại này là những người đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của người hiện đại. Với kết quả này, An Khê cũng được ghi vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người-người đứng thẳng, là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại.
Chảy qua địa phận Gia Lai, dòng Ba mang phù sa về bồi đắp thêm cho vùng trũng An Khê-nơi cư trú từ lâu đời của người Bahnar; vùng trũng Cheo Reo và Phú Túc của người Jrai.
Không chỉ thế, trong lịch sử, sông Ba và các nhánh của nó còn đảm nhiệm vai trò của một đường giao thông dọc sườn Đông Trường Sơn, đưa “măng le” (đại diện cho lâm thổ sản của vùng cao) xuống với cư dân đồng bằng và đưa “cá chuồn” (đại diện cho các nhu yếu phẩm từ biển) lên với người miền núi.
Cũng men theo con sông này, văn hóa của người Champa từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung đã ngược dòng lên các cao nguyên, mà dấu ấn nay còn để lại là phế tích tháp Bang Keng (ở cửa sông Krông Năng đổ vào sông Ba) thuộc địa bàn huyện Krông Pa, có niên đại thế kỷ VII-VIII; phế tích cụm tháp Yang Mum, Dran Glai, Quai King (ở cửa sông Ayun đổ vào sông Ba) thuộc địa bàn thị xã Ayun Pa, có niên đại khoảng thế kỷ XV; tại khu vực được định danh là Nền nhà, Hồ nước ông Nhạc, cũng đã tìm thấy dấu tích của văn hóa Champa là chiếc đầu rắn Naga và đá ong làm nền rất đặc trưng của người Chăm; bia đá Chăm Tư Lương (ở huyện Đak Pơ) bước đầu được xác định niên đại ở thế kỷ XV.
Năm 1771-1773, khi chọn vùng đất Tây Sơn Thượng đạo để xây dựng căn cứ địa buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chắc chắn anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã thấy rõ giá trị của sông Ba.
Các ông không chỉ coi dòng sông là nơi cung cấp nguồn nước cho những cánh đồng quanh khu vực trung tâm An Khê để trồng trọt, nuôi quân, mà còn sử dụng sông Ba như một trục giao thông chiến lược mở ra nhiều hướng, để người Xê Đăng từ phía Bắc (nay thuộc Kon Tum), người Jrai từ phía Tây và phía Nam, người Chăm (Thị Hỏa) từ Phú Yên... đến với các thủ lĩnh của phong trào.
Cùng với những chủ nhân Bahnar, Xê Đăng, Jrai, Chăm... là nguồn lực từ khắp các vùng miền dọc theo con sông cũng đổ về trung tâm của vùng Tây Sơn Thượng đạo, góp phần làm nên thành công của khởi nghĩa Tây Sơn lẫy lừng ở thế kỷ XVIII.
Đôi bờ sông Ba cũng là nơi chứng kiến những làng mạc của người Việt hình thành sớm nhất trên đất Tây Nguyên, dấu tích còn lại là hàng chục ngôi đình miếu cổ như An Lũy, Tân Lai... cùng các sắc phong, những kiến trúc cổ và cả những lễ hội thể hiện rõ nét tình đoàn kết Kinh-Thượng, rất đặc sắc chỉ có ở đây như Hội hát cầu huê.
Đậm nét nhất vẫn là văn hóa của cư dân Bahnar, Jrai-những chủ nhân lâu đời nhất hiện sinh sống dọc sông Ba. Làng kháng chiến Stơr với Anh hùng Núp-con người của hiện thực mà như bước ra từ huyền thoại.
Trong ông như có bóng dáng của chàng Diông bước ra từ các hơmon; những ngôi nhà rông thấp thoáng bên sông; những khu nhà mồ tinh xảo, sặc sỡ đặc biệt chỉ có ở khu vực người Bahnar Tơlô (vùng Kông Chro) như đưa du khách về miền cổ tích.
Xuôi về Ayun Pa, Krông Pa là những cánh đồng bát ngát, với những chiếc nhà dài như những con thuyền dập dềnh trên sóng lúa biếc. Trong không gian ấy như văng vẳng tiếng cồng chiêng, gợi lại một thời oai phong của các Pơtao Apui chặn hạn, gọi mưa.
Sông Ba là dòng sông di sản. Hãy để cho dòng sông từ ngàn xưa làm trọn bổn phận, là gìn giữ cho các thế hệ mai sau một con sông đẹp, với những di sản địa chất, lịch sử, văn hóa; là nguồn sống của con người và văn hóa ven sông. Nếu có thể, xin hãy sửa chữa những “sai lầm thế kỷ” mà con người đã gây ra trên dòng sông này.