Sắc phong cổ, sắc thần cổ ở vùng đất này Gia Lai ví như "sổ đỏ", bảo vật trấn môn của làng Việt xưa

Thứ tư, ngày 14/06/2023 05:03 AM (GMT+7)
Sắc thần, sắc phong không chỉ có giá trị ở phương diện tâm linh mà cũng là “sổ đỏ”, “bảo vật trấn môn” của làng Việt xưa. Vì vậy, sắc thần được dân làng gìn giữ, bảo vệ rất kỹ lưỡng.
Bình luận 0

Sắc phong là loại hình văn bản chính thức của nhà nước phong kiến công nhận và phong tặng phẩm hàm cho thần linh hoặc nhân vật có công lao với đất nước và cộng đồng, do người đứng đầu quốc gia là nhà vua phê duyệt. Trong phạm vi bài này, chúng tôi giới thiệu sơ lược về sắc phong dành cho các vị thần thời Nguyễn.

Về hình thức, sắc phong thường làm bằng giấy dó tinh luyện có độ mịn và độ bền cao. Những đạo sắc đơn giản có kích thước nhỏ gọn, chỉ gồm văn tự ghi nội dung trên một mặt giấy, có dấu son xác nhận, không trang trí, ví dụ sắc phong hàm cửu phẩm, bát phẩm cho những người có công mộ dân khai hoang thời Nguyễn hiện còn thấy ở nhà họ Nguyễn, họ Văn, họ Tô vùng An Khê, tỉnh Gia Lai.

Những đạo sắc cầu kỳ có khổ giấy lớn hơn, nhuộm màu vàng tươi hoặc đỏ đồng, vẽ hoa văn cả hai mặt, trong đó phần trang trí mặt trước là chính với đồ án trung tâm họa hình rồng cưỡi mây, các đường nét trang trí này được nhũ bạc, có tính thẩm mỹ cao, ví dụ sắc phong cho thần linh và sắc phong cho các đại công thần.

Sắc phong cổ, sắc thần cổ ở vùng đất này Gia Lai ví như "sổ đỏ", bảo vật trấn môn của làng Việt xưa - Ảnh 1.

Sắc phong thần Bạch Mã và Thành hoàng năm 1909 tại đình An Khê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Minh

Về mặt nội dung, sắc thần phản ánh hệ thống tín ngưỡng dân gian được chính quyền công nhận, tuy không đa dạng bằng hệ thống thần linh do dân gian ghi nhận trong các bài văn tế lưu truyền ở đình miếu, nhưng là những thông tin cụ thể và có độ tin cậy cao. 

Nội dung sắc thần gồm các phần như: lời tuyên bố của nhà vua, bắt đầu bằng chữ “sắc” hoặc “sắc chỉ”; địa chỉ cụ thể của làng xã được nhận sắc (đối với sắc thời Nguyễn, còn sắc thời Lê trước đó không ghi mà đôi khi được ghi chú ở lề mặt sau); nêu lý do thần được nhà nước công nhận và dân chúng phải thờ phụng (công trạng chung của các vị thần được phong tặng thường có mẫu chung là “hộ quốc tí dân”, tức giúp nước giúp dân); lý do phong tặng (nhà vua thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các vị thần, có thể nhân một số dịp cụ thể hơn như mừng đại lễ đăng quang, mừng thọ); lời khen tặng của nhà vua dành cho vị thần được phong tặng thể hiện qua các danh hiệu chính thức được công nhận, những mỹ từ này đồng thời biểu lộ quyền năng, sức mạnh của vị thần ấy; cuối cùng là lời ủy thác của nhà vua rằng, mong thần hãy giúp đỡ, che chở cho dân chúng của mình.

Dòng văn tự cuối cùng trên sắc thần ghi rõ niên hiệu và niên đại của đạo sắc được ban hành, cho biết cụ thể vào thời vua nào, ngày tháng năm nào. 

Con dấu vuông màu đỏ son của nhà vua sẽ được đóng tại dòng chữ này, để xác nhận toàn bộ nội dung của sắc thần đúng là lời của người đứng đầu nhà nước phong kiến, thường là 4 chữ triện lớn “Sắc mệnh Chi Bảo”.

Ngoài thông tin tín ngưỡng, sắc thần còn là tài liệu đặc biệt hữu ích trong việc tìm hiểu lịch sử khai hoang lập làng của người Việt. Bởi việc phong sắc gắn liền với hoạt động lập làng xây đình, có làng, xã mới được nhà nước cấp sắc công nhận. 

Có thể nói, sắc thần không chỉ có giá trị ở phương diện tâm linh mà cũng là “sổ đỏ”, trở thành linh hồn, “bảo vật trấn môn” của các làng Việt xưa, được dân làng gìn giữ, bảo vệ rất kỹ lưỡng. Vì vậy, nói sắc thần là “trang sử vàng” của đất nước, đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trong thời chiến tranh loạn lạc, nhiều người được giao trọng trách giữ sắc thần đã hy sinh của cải, sức khỏe của cá nhân để bảo vệ sắc được nguyên vẹn. Nhờ vậy mà nhiều đạo sắc thần có niên đại hàng trăm năm trải qua biến thiên lịch sử vẫn đẹp tươi như mới khiến những người tiếp xúc như chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động.

Tuy nhiên hiện nay, đối với đa số người dân, sắc thần vẫn còn là một cái gì đó rất xa lạ, huyền bí. Phần nhiều người nghiên cứu cũng mới biết, mới nói về giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh, còn giá trị lịch sử thì ít người nhận thức đầy đủ. 

Vì thế, cần thêm nhiều nghiên cứu chỉ rõ hơn sự quan trọng của sắc thần với tư cách là di sản văn tự đặc biệt trong việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, lịch sử địa phương nói riêng và lịch sử đất nước nói chung, để người dân và chính quyền các cấp có ý thức, biện pháp hữu hiệu bảo vệ và phát huy giá trị của sắc thần trên phạm vi toàn quốc.

Đối với giới cổ ngoạn, sắc thần là loại cổ vật đặc biệt có nhiều giá trị về hội họa, thư pháp, độc bản, đẹp, dễ trang trí, dễ vận chuyển, dễ bảo quản nên được nhiều người ưa thích săn lùng, sưu tầm. Nhu cầu này đã kích thích nạn trộm cắp, buôn bán sắc thần diễn ra trong và ngoài nước ngày càng nghiêm trọng. 

Việc hàng trăm sắc thần của Việt Nam được rao bán trên mạng yangmingauction.com ở nước ngoài gây xôn xao dư luận hiện nay là tiếng chuông báo động khẩn cấp về tình trạng thất thoát nguồn di sản văn tự, tài sản văn hóa quý báu của quốc gia.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện còn giữ được 26 đạo sắc thần, trong số đó chỉ còn một nửa là nguyên vẹn, phần còn lại hoặc hư hại hoặc hư hại rất nặng. 

Và đây cũng không phải là tất cả số sắc thần mà địa phương từng có, bởi một số đã bị thiêu rụi trong chiến loạn, một số bị ẩm mốc đến mục nát không còn dấu vết, một số bị kẻ gian lấy cắp… 

Do vậy, những đạo sắc còn giữ lại được đến ngày nay là tài sản văn hóa quý báu chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, chính trị, tín ngưỡng, khoa học, thẩm mỹ mà tất cả chúng ta cần nhanh chóng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị.

Lưu Hồng Sơn (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem