Lâu đài bỏ hoang ở tỉnh Gia Lai lối kiến trúc Pháp trước đây là nơi nghiên cứu cái gì?

Thứ tư, ngày 15/06/2022 13:46 PM (GMT+7)
Ở ngôi làng Ngol Tả, phường Chi Lăng, TP Pleiku (Gia Lai) có một tòa lâu đài bỏ hoang cùng mấy đài chứa nước. Công trình này được xây dựng từ năm 1930 theo lối kiến trúc của Pháp, nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu giống cây trồng của người Pháp ở vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Bình luận 0

Sau giải phóng năm 1975, tòa nhà này bàn giao cho nhiều đơn vị quản lý sử dụng. Gần thế kỷ trôi qua, hiện tòa nhà này đã xuống cấp, đổ nát và bỏ hoang.

Lâu đài bỏ hoang ở tỉnh Gia Lai lối kiến trúc Pháp trước đây là nơi nghiên cứu cái gì? - Ảnh 1.

Do nhiều nguyên nhân, đến nay TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn chưa xây dựng phương án để khu vực khu biệt thự cổ trở thành điểm tham quan du lịch

Hơn 90 năm đã trôi qua, kể từ khi ngôi biệt thự kiểu Pháp này được xây dựng ở ngôi làng Ngol Tả, dấu ấn thời gian đã làm cho ngôi biệt thự này không còn nguyên vẹn. 

Hiện nay, một số cột trụ, tường của ngôi biệt thự bị đổ, nhưng kết cấu ngôi nhà vẫn khá bền vững, nhất là phần móng. Móng nhà xây cao chừng 2m vững chãi. Theo lời của các già làng ở Ngol Tả thì nguyên nhân khiến một phần của căn biệt thự bị đổ là vì những người tìm phế liệu đập phá lấy sắt thép dẫn đến mất liên kết.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn Luận, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải du lịch Thuận Tiến Gia Lai cho biết: Năm 1978, cán bộ, nhân viên của Trạm Nghiên cứu chống xói mòn đất nông nghiệp Tây Nguyên (thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) được giao tiếp quản nơi này. 

Thời đó, mọi người cùng ăn ở, làm việc trong 4 ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp cổ để nghiên cứu khoa học theo đề tài của GS Nguyễn Văn Triển. Nhiệm vụ là nghiên cứu khí hậu, thủy văn, địa mạo của tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung để Nhà nước triển khai các chương trình nông nghiệp. 

Sau khi đề tài hoàn thành, tòa nhà này được bàn giao lại cho Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) kế thừa để tiếp tục trồng thông phủ xanh các ngọn đồi quanh TP Pleiku.

“Trước khi chúng tôi vào tiếp quản, khu vực này là đồn điền cà phê do bà Nguyễn Thị Thi sở hữu. Trên biển đồng của các biệt thự có ghi nhà được xây từ năm 1930 theo kiến trúc Pháp. Trước đó, đây là Trại Nghiên cứu giống cây trồng của chế độ cũ. Họ xây dựng 8 biệt thự cho chuyên gia của trại ở và làm việc. 

Hộ bà Thi nhận lại khi trại hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu. Thời chúng tôi còn làm ở trại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân, lãnh đạo Nhà nước và tỉnh Gia Lai có đến thăm”, ông Luận nói và nhớ lại.

“Hồi đó, người Pháp xây dựng bài bản, ngoài mấy biệt thự thì còn có mấy bồn chứa nước lớn dẫn từ con suối gần đó lên và một trạm thủy điện nhỏ phục vụ cho hoạt động của Trại Nghiên cứu giống cây trồng. Riêng nhà cửa xây dựng kiên cố bằng bê tông, có móng cao gần 2 m, tường hơn 20 cm. Mỗi nhà có 6, 7 phòng gồm: phòng ở, tầng hầm và nhà vệ sinh. Đặc biệt trong phòng khách, phòng ngủ đều có lò sưởi. Thời đó, khí hậu lạnh lắm nhưng nếu ở bên trong nhà rất ấm”.

Ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới cho hay: “Biệt thự Pháp cổ ở làng Ngol Tả hiện nằm trong lâm phần đơn vị quản lý. Trước đây, chúng tôi dự định làm một khu vực sinh thái nho nhỏ có trồng nhiều loại hoa để du khách thưởng ngoạn. Nhưng sau vướng một số vấn đề nên chúng tôi trồng khảo nghiệm cây mắc ca. 

Chúng tôi đang bàn tính sẽ trồng xen nhiều loại hoa giữa vườn mắc ca để khi du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biệt thự Pháp cổ sẽ có thêm không gian chụp ảnh lưu niệm. Thông qua hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch cho thành phố và giúp quảng bá lợi ích của công tác trồng, bảo vệ rừng của đơn vị”.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết: Trước đây lãnh đạo UBND TP Pleiku đã khảo sát thực tế biệt thự Pháp cổ này.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chúng tôi vẫn chưa xây dựng phương án để đưa khu vực có tòa lâu đài cổ thành một di tích, địa điểm tham quan du lịch. Mới đây, TP Pleiku đã có kế hoạch khảo sát tiềm năng du lịch ở khu vực này. Hiện, các phòng ban chuyên môn của TP đang phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai.




Ngọc Hòa (Báo Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem