Người nuôi không còn lợn để bán
Vào thời điểm này, gia đình ông Phạm Văn Nam ở Tam Điệp (Ninh Bình) đang tích cực chăm sóc đàn lợn thịt để đón thị trường cuối năm. Ông Nam cho biết, mấy ngày nay giá lợn tăng cao, nhiều thương lái gọi điện thoại tìm mua lợn nhưng chúng tôi không có hàng để bán.
Theo ông Nam, với giá lợn hiện tại khoảng 70.000 đồng/kg, các trại chăn nuôi chuồng lạnh đảm bảo an toàn sinh học sẽ có lãi cao khoảng trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/con, tùy loại.
Lý giải thêm về nguyên nhân giá lợn liên tục tăng cao, ông Nam cho rằng: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, dịch nổ tại nhiều địa phương khiến số lượng đàn lợn giảm nhiều. Bên cạnh đó, nhiều trại, nhất là nông hộ nhỏ bị dịch không còn khả năng tái đàn, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng nuôi cầm chừng nên đàn lợn khó tăng nhanh được.
Cũng theo ông Nam, vừa qua các cơ quan chức năng cũng siết chặt và xử lý nghiêm các đối tượng nhập lậu lợn qua biên giới nên lượng hàng lậu đã giảm nhiều. Trong khi đó, thịt lợn nhập khẩu từ các nước, trong đó có Nga cũng giảm do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine.
Theo dự đoán của ông Nam, từ nay đến các tháng cuối năm, nguồn cung lợn vẫn có xu hướng giảm nên giá mặt hàng này sẽ vẫn neo ở mức cao. Tuy vậy, các doanh nghiệp lớn chăn nuôi tốt sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, người nuôi nhỏ, các nông hộ phòng dịch kém sẽ bị đào thải dần.
Bà Nguyễn Thị Loan, chủ trại lợn ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, gia đình bà mới xuất bán đàn lợn hơi hơn 30 con với giá 68.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn trên 100kg, bà có lãi khoảng gần 2 triệu đồng.
"Thương lái đang săn mua nhiều nên các trại có lợn đẹp, xấu vẫn bán được hết. Thậm chí, có trại còn không còn lợn để bán", bà Loan bộc bạch.
Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn của gia đình, bà Loan phải thường xuyên rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun sát trùng, sát khuẩn 2 lần/tuần. Xung quanh vườn nhà, vợ chồng bà còn lắp đặt rào tôn chống chuột rất bài bản.
"Chúng tôi phải đầu từ khá nhiều chi phí để lắp đặt cửa chống ruồi, muỗi và rào chống chuột. Trong chuồng nuôi tôi cũng phải lắp đặt camera để thuận tiện trong việc quản lý, giám sát đàn vật nuôi. Chúng tôi còn xây dựng một nhà kho chứa cám, thuốc thú y trong trại, đến ngày bán lợn, trại còn dùng cầu sát riêng để đuổi, đưa lợn ra xe cho khách. Các khâu phòng dịch đều rất nghiêm ngặt nhưng trại vẫn lo ngại bị dịch "đánh úp" bất cứ lúc nào", bà Loan chia sẻ thêm.
Không lo thiếu nguồn cung
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, thông thường, vào mùa hè là giai đoạn học sinh nghỉ hè, các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học tạm dừng hoạt động khiến sức tiêu thụ thịt lợn giảm theo. Đến các tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán giá lợn hơi sẽ tăng cao. Tuy nhiên năm nay lại khác, giá lợn hơi lại tăng ngay trong dịp hè, nguyên nhân chính là dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, số lượng đàn lợn giảm nhiều, các trại lớn, nhỏ đều bị ảnh hưởng bởi dịch nên không dám tái đàn ồ ạt hoặc không còn sức để tái đàn.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện số liệu đàn nái vẫn đạt 2,9 triệu con. Ông Trọng khẳng định: Với số lượng đàn lợn hiện tại sẽ không lo thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại số liệu này chưa cập nhật được với tình hình thực tế. Việc nắm được số liệu thực tế tổng đàn nái của cả nước hiện tại là rất khó bởi nhiều cơ sở nuôi còn giấu dịch, các địa phương báo cáo vẫn còn nặng thành tích.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, với việc quản lý đàn lợn tốt và các công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là đại dịch tả lợn châu Phi, chúng ta sẽ không lo thiếu nguồn cung dịp cuối năm.
Giá thịt lợn nhích lên, các thương lái tiêu thụ chậm
Bà Trần Thị Phương, thương lái bán thịt lợn ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi tăng nên giá thịt lợn cũng được các thương lái điều chỉnh tăng nhẹ lên khoảng 1.000 đồng/kg như thịt ba chỉ bán khoảng trên 120.000 đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng nóng nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khá chậm.
"Vào thời điểm mùa thu, đông, mỗi ngày chúng tôi bán được vài con nhưng thời điểm nay ngày nào bán tốt mới được một con nên lợi nhuận rất thấp", bà Phương nói.