Dân Việt

Viên chức làm trong đơn vị sự nghiệp công lập khó được tăng lương, vì sao?

Thùy Anh 23/06/2024 09:54 GMT+7
Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở từ 1/7, tuy nhiên, không phải công chức, viên chức nào cũng được tăng lương như kỳ vọng.

Công chức lo tăng lương, thu nhập giảm 

Thay vì cải cách tiền lương từ 1/7, Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở từ 1/7. Mức tăng là 30%, dao động trong khoảng từ 900.000 đồng tới hơn 4 triệu đồng, tùy từng hệ số, từng bậc.

Đúng ra khi tăng lương, tất cả công chức, viên chức lao động làm việc tại khu vực công đều được tăng lương, nhưng thực tế không phải lao động nào cũng sẽ được tăng lương.

Trong khu vực công thường sẽ phân làm 2 loại, một là công chức, viên chức làm trong khu vực hành chính công (thuộc bộ máy công quyền, bộ, ban ngành...) và một bộ phận viên chức làm trong đơn vị sự nghiệp công (kiểu đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động như doanh nghiệp, tự chủ một phần hoặc toàn phần).

Viên chức làm trong đơn vị sự nghiệp công lập khó được tăng lương, vì sao?- Ảnh 1.

Viên chức làm trong một số đơn vị sự nghiệp công lập sẽ gặp khó khăn khi tăng lương cơ sở từ 1/7. Ảnh: N.T

Công chức, viên chức làm trong đơn vị sự nghiệp hành chính công tiền lương do ngân sách nhà nước chi trả nên nhiều khả năng sẽ được nâng lương như kỳ vọng, riêng với nhóm đơn vị sự nghiệp công thì việc được tăng lương hay không còn tùy thuộc vào ngân sách.

Hiện nay tiền lương của viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công đa phần vẫn được tính dựa trên tiền lương cơ sở x với hệ số, chưa tính các khoản phụ cấp.

Tuy nhiên, do một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn phần, hoặc một phần được thực hiện cơ chế tài chính riêng, tự hạch toán, tự chi tiêu nên vấn đề tiền lương cũng có những cơ chế đặc thù.

Đại diện một đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực việc làm cho biết, đơn vị có khoảng 200 nhân viên ở tất cả các bộ phận. Thời gian gần đây vốn nhà nước cấp giảm đi, các chương trình hoạt động của trung tâm không mang lại nhiều nguồn thu nên ngân sách trả lương cho anh em rất hạn chế.

"Một mặt chúng tôi thực hiện sắp xếp lại cơ cấu nhân sự, mặt khác tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu, tăng các chương trình tìm kiếm nguồn thu nhưng cơ quan vẫn rất khó khăn", vị này than thở.

Cũng theo ông này, năm ngoái nhà nước vừa tăng lương cơ sở, năm nay lại tiếp tục tăng lên thêm 30% chắc chắn sẽ tạo rất nhiều áp lực cho đơn vị của ông.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Hoàng Văn Minh, viên chức làm trong một đơn vị sự nghiệp công lập cho biết, câu chuyện "lương tăng, thu nhập giảm" không hề xa lạ với anh và các đồng nghiệp.

"Cơ quan tôi mấy năm nay làm ăn khó khăn, nên mỗi lần tăng lương là anh em chúng tôi lại phải nín thở. Vì thực tế lương tăng chỉ tăng khoản tiền lương đóng BHXH, còn thu nhập của chúng tôi giảm vì cơ quan lại cắt giảm mấy khoản phụ cấp, tiền thưởng, đi chơi... Thế nên mỗi lần nghe thấy tăng lương là anh em lòng càng buồn tê tái", anh Minh chia sẻ thêm.

Đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục gặp khó khi tăng lương cơ sở

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị .

Nghị định Số 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có quy định cụ thể về mức chi tiền lương cũng như quy chế tiết kiệm vào quỹ lương.

Khoản 1, Điều 16 của Nghị định 60 năm 2021 về chi thường xuyên giao tự chủ có quy định:

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương như sau:

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Viên chức làm trong đơn vị sự nghiệp công lập khó được tăng lương, vì sao?- Ảnh 2.

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quy chế tự chủ tài chính và được chi tiền lương theo cơ chế riêng. Ảnh: N.T

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết Quỹ bổ sung thu nhập và nguồn trích lập cải cách tiền lương.

Ngoài tiền lương các đơn vị sự nghiệp công được chi tiền thưởng, thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Như vậy, khi chưa tiến hành cải cách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Khi Chính phủ tăng lương cơ sở từ 1/7, các nhóm này cũng sẽ được tăng lương tuy nhiên việc tăng lương như thế nào còn tùy thuộc vào quỹ tiền lương của từng đơn vị.