Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Liên quan tới việc Chính phủ chưa tiến hành cải cách tiền lương luôn mà thực hiện tăng 30% lương cơ sở từ 1/7 tới đây, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tôi cho rằng cải cách tiền lương là việc lớn, cần nhiều thời gian, công sức. Về bản chất, tăng lương chưa phải là cải cách toàn diện tiền lương nhưng tăng lương cơ sở thêm 30% là một bước đi để điều chỉnh tiền lương cho cán bộ viên chức và người lao động sau này. Việc tăng lương lần này nhằm đảm bảo ai cũng được tăng lương, không ai không được điều chỉnh, không bị tụt lương.
Nếu áp tiền lương theo vị trí việc làm ngay, có thể sẽ có những người không được nâng lương phải giữ nguyên mức tiền lương - giữ nguyên mức tiền lương cũng là tụt lương.
Tôi cho rằng ở thời điểm này, việc Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Lý do là bởi chúng ta chưa xác định được vị trí việc làm - đây là công việc rất khó, chưa từng có trong tiền lệ. Vì thế không thể nôn nóng, cần phải có lộ trình phù hợp để cải cách tiền lương trong thời gian tiếp theo.
"Tôi đánh giá cao quyết định của Chính phủ. Việc chưa thực hiện ngay cải cách tiền lương ở thời điểm này là phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, công tâm, khách quan".
Theo tinh thần mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu thì chúng ta mới thực hiện được 4/6 nội dung của cải cách tiền lương. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là chưa bỏ được lương cơ sở và chưa xác định được vị trí việc làm. Tôi cho rằng nếu chưa xác định được tiền lương theo thang bảng lương chức vụ lãnh đạo và lương nghiệp vụ - tiền lương theo vị trí việc làm thì chưa nên thực hiện cải cách tiền lương vội.
Có thể đánh giá đây là việc "cực chẳng đã" bởi chúng ta chưa xác định được vị trí việc làm vì nó liên quan tới nhiều nhóm đối tượng.
Không chỉ khó trong việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chúng ta cũng còn gặp khó khăn khi sắp xếp lại các khoản phụ cấp. Hiện chúng ta có 18 khoản phụ cấp, giờ ghép lại còn 9 dẫn đến nếu chúng ta làm ngay thì khó. Vị trí việc làm chưa xong, phụ cấp chưa được tính toán đầy đủ nếu áp ngay cải cách tiền lương thì sẽ có rất nhiều đối tượng bị thiệt thòi.
Điều quan trọng là dù khó khăn nhưng Chính phủ vẫn thực hiện ngay áp 10% quỹ tiền lương để cho người sử dụng lao động hoặc thủ trưởng cơ quan đơn vị chủ động áp dụng nhằm tăng năng suất lao động.
"Cần phải khẳng định lại rằng đây không phải là lần tăng lương cao nhất trong lịch sử thành lập nước, mà đây chỉ là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay (lương cơ sở có từ năm 2004).
Bộ Nội vụ cũng cho biết, vẫn tiếp tục giữ nguyên các khoản phụ cấp. Điều này có thể được hiểu như thế nào?
Tôi cho rằng việc chưa bỏ các khoản phụ cấp hiện thời là hoàn toàn chính xác. Các khoản phụ cấp trước đây đã thành tiền lệ, nếu chưa có căn cứ để điều chỉnh thì dừng điều chỉnh. Trước đây chúng ta có tới 18 khoản phụ cấp, giờ ép xuống 9 loại phụ cấp là chưa đúng, vì thế giữ nguyên các khoản phụ cấp khi nâng lương cơ sở là chính xác. Nếu Chính phủ tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng nhưng lại bỏ khoản phụ cấp đi thì cũng bằng hòa.
Theo ông cần làm gì để xác định vị trí việc làm chuẩn xác?
Rất khó để có thể ban hành được vị trí việc làm và tiền lương theo vị trí việc làm. Lý do là bởi đây là công việc mới, chưa từng có trong tiền lệ, cũng chưa ai có thẩm quyền và đủ chuyên môn để xác định vị trí việc làm. Trước một vấn đề khó thì cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu.
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng để xây dựng vị trí việc làm cần căn cứ vào chuyên môn nghiệp vụ, khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức. Thứ 2 là vị trí việc làm phải đảm bảo tối ưu chi phí, để công chức, viên chức có thể thực hiện công việc mà không làm lãng phí thời gian.
Mục tiêu cải cách tiền lương là để tăng năng suất lao động để hiệu quả công việc tốt hơn. Nguyên tắc tốc độ tăng lương bao giờ cũng phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì ngược lại: Tốc độ năng suất lao động đang thấp hơn tốc độ tăng lương, vì thế tiền lương vẫn chưa đạt được như kỳ vọng là hoàn toàn chính xác.
Xét ở mối quan hệ hàng hóa, thị trường thì chỉ khi năng suất lao động tăng, anh mới có thể tăng lương. Nếu chúng ta chưa làm rõ được quan hệ này thì chưa thể cải cách tiền lương.
Bởi vậy, việc lùi cải cách tiền lương ở giai đoạn này để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm việc triển khai Nghị quyết 27 tôi cho rằng là một bước đi đúng đắn, linh hoạt của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Bản chất của cải cách tiền lương là tăng lương, nếu cải cách tiền lương mà không đảm bảo tất cả mọi người được tăng lương thì rõ ràng đó là một thiệt thòi, có thể dẫn tới sự mất công bằng, ganh tỵ trong chính cán bộ, công chức, viên chức.
Việc lùi cải cách tiền lương và thực hiện tăng lương cơ sở là việc làm đúng đắn bởi lẽ chúng ta sẽ nâng lương được cho tất cả mọi người lao động, từ công chức, viên chức. Điều này đảm bảo rằng ai cũng được tăng lương tạo sự phấn khởi chung trong đội ngũ những người làm khu vực công. Còn nếu giờ áp luôn cải cách tiền lương thì e là khiên cưỡng sẽ có nhiều nhóm đối tượng chưa được nâng lương bị thiệt thòi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, không công bằng cho người lao động.
Bước đi này của Chính phủ nhằm tạo điều kiện về mặt thời gian để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tiến tới thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.