Từ 20 năm trước, ông Lâm Thành Thương đã mang theo nghề trồng cây có múi từ Đồng Tháp lên đất Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) lập nghiệp. Ông Thương kể, xã Hiếu Liêm nằm cạnh 2 dòng sông Bé và sông Đồng Nai, rất thích hợp để phát triển kinh tế trang trại.
Theo ông, so với các tỉnh miền Tây, cây có múi trồng ở Hiếu Liêm có những lợi thế riêng. Địa thế của xã nằm trên triền đồi cao, dễ thoát nước. Rễ cây cam, quýt ăn sâu xuống đất mà không sợ hư vì úng ngập. Tuổi thọ của cây vì thế có thể dài 15 năm, thay vì chỉ 5-7 năm như ở miền Tây Nam bộ. Thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên chắc trái và có độ ngọt cao.
Với diện tích trên 150ha, mỗi năm, trang trại của ông xuất bán gần 5.000 tấn trái cây có múi các loại. Trung bình mỗi năm ông thu lời hơn 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc HTX Nông nghiệp Dân Tiến ở xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) cũng cho biết, hệ thống thủy lợi và hạ tầng giao thông tốt cũng tạo điều kiện để địa phương phát triển mạnh kinh tế hàng hóa với cây ăn trái.
Hiện tại thương hiệu trái cây có múi Bắc Tân Uyên đang chiếm lĩnh phân khúc trung và cao cấp. Nhiều trang trại, nhà vườn ở Bắc Tân Uyên được thương lái đến tận nơi mua hàng với giá cao ổn định.
Không chỉ ở như Bắc Tân Uyên, các vùng sản xuất cây có múi tập trung cũng đã hình thành rõ nét ở nhiều huyện phía Bắc của tỉnh. "Ngày càng nhiều nông dân ứng dụng sản xuất theo VietGAP, hướng đến hữu cơ giúp sản phẩm đạt chất lượng", ông Tiến nói.
Theo Sở NNPTNT tỉnh, cây ăn trái Bình Dương có diện tích hơn 8.181ha. Trong đó, các loại trái có múi hơn 4.631ha, chiếm 56,6%. Tổng diện tích cây cây ăn trái đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP là 1.078ha.
Ngoài ra, các vùng trồng măng cụt tập trung ở TP.Thuận An, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng cũng chiếm trên 88% diện tích măng cụt toàn tỉnh.
Điểm nổi bật là vùng chuyên canh cây ăn trái đang hình thành đậm nét ở các xã ven sông.
Việc hình thành vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trên diện tích lớn; rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các nông hộ, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng.
Tuy nhiên, một hạn chế lớn ở Bình Dương hiện nay là mặt hàng rau, quả nói chung chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi. Sản phẩm chủ yếu đưa trực tiếp đến nơi tiêu thụ sau khi được tạm trữ một thời gian ngắn ở các vựa tập kết.
Thị trường chính của ngành hàng cây ăn trái Bình Dương vẫn là tiêu thụ nội địa, chỉ mới có một số sản phẩm trái cây như chuối, sầu riêng, bưởi được xuất khẩu.
Quy mô các cơ sở sản xuất, sơ chế vẫn còn nhỏ lẻ. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây; 13 cơ sơ đóng gói trái cây xuất khẩu với 16 mã số cơ sở đóng gói.
Theo ông Mai Hũng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn chậm. Khả năng đầu tư về kỹ thuật và tài chính của nông dân còn hạn chế. Từ đó, việc phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái cũng như nhân rộng mô hình VietGAP, hữu cơ gặp nhiều trở ngại.
Cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Các đô thị phía Nam của tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, gây khó khăn trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất.
Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các vùng cây ăn trái chủ lực của tỉnh cần được định hướng phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3092 triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn trái chủ lực, ngành hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn và ngành chế biến rau trái đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đặt mục tiêu diện tích cây ăn trái Bình Dương đạt khoảng 10.600ha vào năm 2025, và 13.000ha vào năm 2030. Trong đó, tỉnh định hướng phát triển 4 loại cây ăn trái chủ lực gồm cây có múi, cây măng cụt, cây sầu riêng, cây chuối.
Vùng trồng cây ăn trái sẽ phát triển trên 2 vùng có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp:
Vùng cây ăn trái dọc sông Bé, sông Đồng Nai (thuộc TP.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo). Khu vực này tiếp giáp với vùng cây ăn quả nổi tiếng như Tân Triều, Hiếu Liêm, Tân Bình, Bình Lợi... thuộc huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồnc Nai). Đây là điều kiện thuận lợi để liên kết vùng, phát triển vùng chuyên canh cây có múi cho địa phương.
Tiếp theo là vùng cây ăn trái dọc sông Sài Gòn, sông Thị Tính (thuộc TP.Thuận An, Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng). Khu vực này phát triển nhiều loại cây ăn trái, trong đó, măng cụt được đánh giá cao về chất lượng và đã có thương hiệu.