Dân Việt

Tranh luận đánh thuế VAT phân bón: Đại biểu nói "không nên thu của người nghèo trả cho người giàu"

Nguyễn Tuyền 24/06/2024 19:47 GMT+7
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, ngân sách tăng số thu 6.300 tỷ đồng từ đánh thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón cần được đánh giá kỹ lưỡng. Theo ông Lâm, đây là số tiền người nông dân bỏ ra và "không nên thu của người nghèo trả cho người giàu".

Chiều 24/6, tại Hội trường, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT), trong đó nổi bật lên vấn đề cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào danh mục hàng thuộc diện chịu thuế VAT 5%.

Chia sẻ "ấm ức" của doanh nghiệp nhưng....

Cơ sở cho lập luận này, Bộ Tài chính cho rằng việc mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế sẽ không được hoàn thuế, số thuế được hoàn là khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.

Việc phân bón chịu thuế VAT sẽ giúp mặt hàng này được giảm chi phí do doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế; đồng thời, giúp hàng phân bón trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu do mặt hàng phân bón nhập khẩu được các nước hoàn thuế.

Tranh luận đánh thuế VAT phân bón: Đại biểu nói

Đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Ủy ban TC-NS của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phân tích, hiện các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, không phải đối tượng VAT. Do đó, doanh nghiệp sản xuất không được hoàn VAT đầu vào đối với các loại vật tư để sản xuất các mặt hàng này.

Như vậy, sản phẩm sản xuất trong nước có thể kém tính cạnh tranh hơn so với nhập khẩu ngay trên sân nhà, vì hàng nhập có thể đã được nước sở tại hoàn VAT khi xuất khẩu ra khỏi nước họ.

"Tôi chia sẻ điều ấm ức này của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ta", vị đại biểu chia sẻ.

Nếu tăng VAT lên 5%, theo ông Lâm, cả sản xuất và nhập khẩu cùng chung thuế suất đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào và cấu phần giá thành giống với hàng nhập khẩu, như vậy sẽ khắc phục được tính kém cạnh tranh nêu trên.

Vị đại biểu này cũng chỉ ra rằng, nếu đánh thuế VAT đầu ra phân bón trong nước sẽ được 5.700 tỷ đồng, đánh thuế VAT đầu vào 1.500 tỷ đồng, và đánh thuế VAT của phân bón nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng tăng thu ngân sách, riêng với phân bón 6.200 tỷ đồng. Nếu cả máy móc, thiết bị vật tư khác là 6.300 tỷ đồng.

Như vậy, doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận và ngân sách nhà nước thì tăng thu nếu tăng thuế. Thế nhưng, nông dân thì chịu thiệt, theo ông Lâm.

Ông làm rõ thêm, hiện có rất nhiều chuyên gia, đại biểu có lập luận về việc phân bón được chuyển sang đối tượng chịu VAT, doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào sẽ giảm giá thành sản phẩm và giảm giá bán cho nông dân. Ông Lâm cho rằng, đánh thuế VAT phân bón VAT 5% ngân sách tăng thu 6.300 tỷ đồng. "Vậy số tiền này lấy từ đâu, không lẽ từ doanh nghiệp? Thực tế là nông nghiệp, nông dân phải chịu", đại biểu Lâm nhấn mạnh.

"Đặc thù của nông nghiệp nước ta chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ VAT đầu vào, nên hầu như toàn bộ 5% VAT này nếu thu thì sẽ cấu phần vào làm tăng giá thành nông sản, giảm cạnh tranh, giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân", đại biểu Lâm phân tích thêm.

Tóm lại, ông Lâm cho rằng: "Không nên chuyển phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu VAT, nếu có chuyển thì cũng chỉ nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%".

Đối với doanh nghiệp, theo ông Lâm, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết. "Nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu", đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Tranh luận đánh thuế VAT phân bón: Đại biểu nói

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội)

Tiền thuế lấy từ nông dân là bất hợp lý!

Cũng về vấn đề này, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, ngay báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính chỉ ra từ tháng 1/2015, sau khi áp thuế 0% thì lập tức giá phân bón giảm xuống 500 nghìn đồng, đến năm 2016 lại tiếp tục giảm, năm 2017 tiếp tục giảm 700-800 nghìn đồng, có nghĩa liên tục giảm sau khi chúng ta chuyển từ thuế 5% xuống 0%.

Ông Cường nói, đến tận năm 2018 bắt đầu giá mới tăng lên là do nhà máy phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất; đến năm 2022 vừa qua tăng rất nhiều là do chiến tranh của Nga - Ukraine.

"Do vậy, không có lý do gì nói rằng, chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá", ông Cường nói và lưu ý rằng "không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi".

Ông Cường dẫn lập luận của Bộ Tài chính, không có thuế VAT nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhưng "nếu như có thuế 5%, ngân sách sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ đồng và để bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ còn thu lãi khoảng 4.200 tỷ đồng. Vậy, hỏi rằng 4.200 tỷ ngân sách thu được và 1.500 tỷ đồng bù đắp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra?", ông Cường đặt vấn đề.

"Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn, điều đấy thể hiện bất hợp lý", ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, bây giờ chúng ta chuyển từ không được khấu trừ đầu vào của doanh nghiệp sang không được khấu trừ đầu vào của nông dân, như vậy nông dân chịu thiệt hại.

Tranh luận đánh thuế VAT phân bón: Đại biểu nói

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

"Tôi đề nghị chúng ta không thể bắt nông dân cũng như không thể bắt doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế đầu vào này", đại biểu Cường nêu quan điểm. Đại biểu đồng tình, nên áp dụng thuế suất VAT cho phân bón là 0% và cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) lại khác, ông này đề nghị làm rõ việc tác động tích cực của đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế.

"Nếu các doanh nghiệp được 5% này, họ được khấu trừ, họ được đầu tư, mở rộng thêm, giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với nhập khẩu thì khi đó người dân được lợi chứ không phải bị thiệt", ông An nói.

Cũng theo vị đại biểu này, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp còn rất nhiều phương án khác nhau nữa. "Chúng ta còn có tín dụng, chúng ta còn nhiều chính sách khác. Cho nên, tôi nghĩ đây là vấn đề cần phải được đánh giá kỹ lưỡng, cần khảo sát", ông An cho hay.

Ông An không đồng tình với một số ý kiến đề nghị được khấu trừ hoặc đưa về thuế 0%.

"Thuế 0% chỉ áp dụng với xuất khẩu, chúng ta không thể phá vỡ nguyên tắc của thế giới. Nếu đưa vào khấu trừ như các mặt hàng khác thì không có tiêu chí và không thể bỏ ngân sách ra để chúng ta làm việc này. Chúng ta cần phải có sự lựa chọn một giải pháp phù hợp", đại biểu An cho hay.