Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sau gần một năm thi công, tổng giá trị thực hiện dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh Hậu Giang mới đạt 520/6.291,7 tỷ đồng, tương ứng 8,26% giá trị hợp đồng, chậm tới 44% so với kế hoạch.
Đến năm 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần trọng điểm, với tổng nhu cầu cát đắp nền đường khoảng 63 triệu m3, song theo tính toán của Bộ GTVT, đến cuối tháng 5/2024 vẫn còn 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.
Trả lời Dân Việt, một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh một số dự án cao tốc đang "mắc kẹt" vì thiếu cát và đưa phương án thay thế là dùng cát biển cần phải nghiên cứu, đánh giá và xử lý độ mặn của cát, tránh tác động đến môi trường và sản xuất nông nghiệp của nông dân trên các tuyến cao tốc đi qua.
Trước đó, để làm cơ sở cho việc đưa cát biển vào làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công các tuyến đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, Bộ GTVT cũng đã thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ GTVT cho rằng việc sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt chỉ nên sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải và phải quan trắc giám sát tác động trong quá trình thực hiện.
Bộ GTVT cũng cho hay, việc thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, cát biển có độ mặn nhất định, bởi vậy khi đưa vào làm vật liệu xây dựng đổ nền đường cao tốc, sau quá trình mưa, nước sẽ thấm vào cát, từ đó nước mặn thoát ra bên ngoài. Nếu không thu gom, xử lý tốt lượng nước mặn đó sẽ làm ảnh hưởng đến diện tích đồng ruộng và cây trồng xung quanh. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải đánh giá được độ mặn của cát biển khi đưa vào sử dụng vật liệu làm được cao tốc.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bẳng sông Cửu Long cho rằng, cây lúa là cây chịu ngọt và rất "mẫn cảm" với mặn. Để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, đơn vị thi công đường cao tốc cũng phải tính toán để giải quyết được độ mặn có trong cát trước khi đưa vào sử dụng.
Theo ông Thạch, về khả năng chịu mặn của một số cây trồng như thanh long và các loại rau ăn lá là nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (độ mặn thấp hơn 1g/l tức 1‰). Lúa, bắp, đậu, cam, quýt là nhóm cây trồng chịu mặn yếu (tối đa 2g/l tức 2‰). Cà chua, ớt, bầu, bí, chuối, mía, bưởi, chanh là nhóm cây trồng chịu mặn trung bình (độ mặn tối đa từ 2 - 4 g/l tức 2 - 4‰). Xoài, sapo, mãng cầu Xiêm, dừa là nhóm cây trồng chịu mặn khá (độ mặn từ 3 - 8g/l tức 3 - 8‰). Bởi vậy, nếu không xử lý mặn triệt để, khi mưa xuống, nước mặn sẽ rò rỉ, xâm lấn vào đồng ruộng làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng.
"Độ mặn như thế nào phù hợp thì phải có những đánh giá rất cụ thể. Một khi nước bị nhiễm mặn không chỉ cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng mà cuộc sống của người dân sống cạnh đó cũng sẽ bị đảo lộn", ông Thạch nói.
Ông Thạch cho rằng, nếu nước mặn từ cát biển của đường cao tốc rò rỉ ra bên ngoài, đơn vị thi công cần xây dựng hệ thống thoát nước riêng để đưa nước mặn theo đó chảy ra các con sông lớn, làm hòa tan độ mặn. Đồng thời, nông dân phải chủ động đắp bờ để nước mặn không chảy trực tiếp vào đồng ruộng.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, để canh tác lúa hiệu quả, hạn chế tối đa xâm nhập mặn bà con nông dân khi canh tác lúa, cây ăn quả cần tuân thủ canh tác theo Tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn TCCS 01:2024/TT ngày 19/4/2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TT-ĐMT ngày 19/4/2024 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3888 ngày 5/6 của Văn phòng Chính phủ về việc phản ánh của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm, Bộ NNPTNT đã báo cáo Thủ tướng, kết quả đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc Nam đến lúa Đông Xuân 2023-2024 và Hè Thu 2024
Theo đó, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024: Phạm vi ảnh hưởng 9 hộ, diện tích hơn 3 ha lúa hè thu; địa điểm: ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, thuộc phạm vi kế cận Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Kết quả đo độ mặn: Nồng độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại: 2,5‰; Nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại: 0,1‰. Tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn TCCS 01:2024/TT ngày 19/4/2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TT-ĐMT ngày 19/4/2024 của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ngưỡng chịu mặn của một số loại cây trồng nông nghiệp đối với nước trong đó cây lúa là 1,28 TSMT(‰).
Kết quả thu hoạch: Diện tích: 2,23 ha; Sản lượng: 13,49 tấn; Năng suất: 6,04 tấn/ha. Năng suất nơi bình thường là 7,6 tấn/ha. Ước tính thiệt hại: 5,5 tấn so với các ruộng trong cùng khu vực nhưng không bị ảnh hưởng.
Giá trị thiệt hại: Đơn vị thi công đã bồi thường thiệt hại cho nông dân toàn bộ thiệt hai với số tiền là 43,980 triệu đồng.
Vụ lúa Hè Thu 2024: Ngày 10/5, sau khi nhận được văn bản của UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang về việc cát biển làm nền đường có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức đoàn công tác thành phần gồm đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NNPTNT, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, huyện Vị Thủy, xã Vị Thắng, Ban QLDA Mỹ Thuận, đơn vị thi công tiến hành kiểm tra thực tế diện tích lúa Hè Thu gần đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam tại UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, kết quả cụ thể như sau:
Thời kỳ sinh trưởng lúa: sau gieo sạ 20-25 ngày; Đánh giá thiệt hại: một số diện tích bị chết 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng 20-50%.
Kết quả đo độ mặn: Tại ruộng lúa bị chết: 6,6‰; Tại lòng đường cao tốc: 1,8‰; Tại kênh thủy lợi: 0,4‰.
Tuy nhiên, ngày 14/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng bác bỏ thông tin cho rằng lúa chết tại Hậu Giang do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án cao tốc. Ông cho hay, "Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chưa sử dụng một hạt cát biển nào", đồng thời khẳng định, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau nói riêng "đều sử dụng cát sông".
Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Bộ GTVT đã mở rộng sử dụng cát biển đắp nền đường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ngày 29/6/2024, Nhà thầu đã tổ chức khai thác và ngày 01/7/2024 sẽ thi công thí điểm đắp nền đường.
Sáng ngày 29/6, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban Quản ký dự án Mỹ Thuận, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tổ chức khởi công khai thác cát biển tại khu B1 (cách bờ biển khoảng 40km). Nơi khai thác cát biển có tổng diện tích gần 100ha tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng. Độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao được phép sử dụng đến 5m tính từ mặt nước biển.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị được tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận (về khu vực, công suất, khối lượng, thiết bị, kế hoạch, phương pháp) và được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao quyền sử dụng khu vực biển để thác cát biển, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.