Mỗi độ xuân về, Tết đến, những hộ dân ở ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) lại tập trung nhộn nhịp vào vụ làm bánh phồng khoai mì đón Tết.
Bánh phồng thường có hai loại quen thuộc: Loại thứ nhất là làm từ gạo nếp; còn loại hai là củ mì. Trong đó món bánh phồng khoai mì Hưng Phú là đặc trưng hơn cả.
Sở dĩ có món ăn này là do cây khoai mì rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Thêm vào đó, đất Hưng Phú và huyện Mỹ Tú lại rất phì nhiêu, thuận lợi để trồng trọt.
Từ đó, người ta tận dụng củ khoai mì để chế biến ra những món ăn ngon như: chè thập cẩm, chè ỷ, xôi, hấp nước cốt dừa, cà ri… trong đó có món bánh phồng khoai mì trứ danh miền Tây.
Đây là một loại bánh khá phổ biến tại Sóc Trăng, mặc dù quy trình làm khá tỉ mỉ và tốn nhiều công sức, nhưng món ăn này được rất nhiều người yêu thích.
Bánh phồng làm từ củ khoai mì là một đặc sản của người dân xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú có từ lâu đời, theo gia phả thì đã trải qua 4 đời làm nghề.
Bánh hoàn toàn làm thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo, chiếc bánh to tròn vừa phải, có độ ngon ngọt của đường cát, beo béo của nước cốt dừa, mùi đặc trưng của hạt mè trắng, mùi thơm của khoai mì tạo thành một thứ hương vị đặc biệt thơm ngon. '
Tuy bánh phồng khoai mì Hưng Phú dù chỉ được làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng cực bắt miệng, được các tín đồ ẩm thực đánh giá cao.
Làm bánh phồng từ củ khoai mì tại homestay Chợ nổi Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC NHÂN
Trước đây, người làm bánh phồng khoai mì ở xã Hưng Phú phần lớn chỉ tập trung làm bánh trong suốt tháng Chạp, bánh phồng khoai mì làm ra được đem bỏ mối khắp các chợ trong và ngoài huyện, hoặc được người thân quen đặt làm quà biếu cho bà con trong dịp Tết.
Nay bánh được làm theo nhu cầu đặt hàng của khách, tại các quầy hàng tại trạm dừng chân ở miền Tây sông nước hay các dịp lễ hội ở Sóc Trăng.
Trung bình mỗi hộ làm bánh phồng khoai mì có thể làm từ 1.000 - 1.500 cái/ngày. Chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Hiện tại, bánh phồng khoai mì có giá 25.000 đồng/chục.
Vào mùa bánh phồng khoai mì, cả xóm có thêm công việc cho người lao động, mỗi ngày thu nhập được khoảng 200.000 đồng tiền công.
Bánh phồng khoai mì Hưng Phú muốn thơm ngon đúng chuẩn thì phải thật kỹ càng ở khâu chọn nguyên liệu. Củ mì được chọn phải to, không bị sượng.
Người ta sẽ đem đi hấp chín rồi bỏ đi phần xơ ở giữa. Sau đó mang khoai mì đổ ra cối đá quết, khi khoai mì được nhào trộn thành một khối dẻo, mịn người thợ trộn chung tỷ lệ 3kg củ khoai mì hấp chín đã quết với 1,2kg đường cát, 2 trái dừa nạo vắt lấy nước cốt và 100g mè trắng trộn chung lại quết, nhào thành một khối dẻo, mềm.
Người thợ đầu sẽ đem đi vắt thành những cục tròn đều tay; người thợ thứ hai để cục bánh dùng tấm nilon lót dưới và trên, lấy cây gỗ tròn cán mỏng ra, lớn theo hình tròn, đều đặn không dầy, không mỏng. Thành phẩm là những chiếc bánh phồng khoai mì Hưng Phú tròn vành rất đẹp.
Công đoạn cuối cùng là đem bánh phồng ra phơi trong nắng to từ 3 - 4 giờ đồng hồ cho đến khi bánh khô lại.
Theo các thợ bánh, việc phơi bánh trong nắng to cũng là một bí quyết để hương vị bánh thêm độc đáo, khó tả, nhất là sự thú vị giữa Đất và Trời có sự giao hòa làm cho bánh đậm đà, ngon hơn và đặc biệt “tan giòn khi nhúng trong nước đá lạnh và để được lâu hơn…”.
Bánh phồng khoai mì Hưng Phú có rất nhiều cách chế biến, có thể ăn sống hoặc đem nướng lên. Nhưng để ngon hơn, theo những người thợ trong nghề làm bánh phồng khoai mì Hưng Phú chỉ cho ta một cách ăn khác tuyệt vời hơn đó là xé bánh làm đôi, rồi cuốn tròn bánh phồng lại chấm với cà phê sữa đá (hoặc nước đá).
Cắn vào một miếng bạn sẽ cảm nhận được vị thơm béo khó tả cùng sự giòn tan trong miệng đến “lạ kỳ”. Ăn một lần là nhớ mãi không quên! Ăn là bị “ghiền”…
Ai đã đến và chưa đến? Hãy mau mau dừng chân ở homestay Chợ nổi Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) cùng trải nghiệm tham gia quy trình “làm thợ bánh” và thưởng thức loại bánh phồng khoai mì “độc nhất vô nhị” nơi này, gắn liền không gian văn hóa sông nước thuần chất Nam Bộ.