Một nơi tên là Chòi Mòi ở Sóc Trăng-vùng đất chứa đựng chuyện ly kỳ, có cây cổ thụ hơn 100 tuổi
Một nơi tên là Chòi Mòi ở Sóc Trăng-vùng đất chứa đựng câu chuyện ly kỳ, có cây cổ thụ hơn 100 tuổi
Hoàng Phúc
Thứ sáu, ngày 31/05/2024 05:42 AM (GMT+7)
Trước đây, ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) còn nhiều khó khăn. Bây giờ, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, người dân đoàn kết phấn đấu trong lao động, sản xuất nên đời sống không ngừng được nâng lên.
Mọi chuyện bắt đầu từ những chuyến công tác về địa bàn huyện Long Phú, tôi được anh bạn vong niên khoe xứ Chòi Mòi bây giờ thiệt đã, thiệt hay.
Xóm nhỏ đã phát triển, đời sống người dân sung túc hơn, với nhiều ngôi nhà khang trang, nhiều vườn mận xanh đường cho thu nhập khá, đặc biệt trong xóm có cây chòi mòi đã hơn trăm tuổi... khiến tôi không khỏi tò mò. Rồi từ tò mò, tôi quyết tâm đến thăm Chòi Mòi một lần cho thỏa.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, tôi cưỡi chiếc xe máy tìm đến Chòi Mòi trong cái nắng cháy da cháy thịt xứ đồng bằng châu thổ mùa nắng hạn. Tới nơi, anh bạn dẫn tôi vào nhà lão nông Trịnh Văn On, người dân cố cựu của Chòi Mòi để nghỉ chân.
Ngồi trong căn nhà khang trang và khá đầy đủ tiện nghi, hớp ngụm nước dừa xiêm ngọt lịm, chúng tôi thấy “mát lòng mát dạ”. Tiếp chuyện với khách, lão nông Trịnh Văn On hào hứng kể về một thời xa xưa của các bậc tiền hiền đi khai hoang mở đất, lập nên vùng này.
“Tôi được nghe những bậc cao tuổi mấy chục năm trước kể lại rằng xứ này là vùng đất lung, trũng, là vùng đất mới. Hàng trăm năm trước, khi chưa có người vô khai phá, thì ở đây cây cối um tùm, không ít lần người dân quanh đây được chứng kiến từng đàn voi rừng cứ đi lại giữa vùng này và những vùng khác, lâu dần đường voi đi trở thành lạch nước.
Thời gian sau, có người vô khai hoang mở đất, trong quá trình khai phá, lạch nước trở thành đường di chuyển của ghe xuồng, dần dần trở thành con rạch như ngày nay.
Những bậc tiền hiền thấy đầu xóm có cây chòi mòi cổ thụ nên đặt tên xóm là Chòi Mòi cho dễ kêu, dễ nhớ. Cây chòi mòi đó bây giờ đã không còn nữa” - ông On kể.
Cây chòi mòi trăm năm tuổi còn sót lại ở ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) Ảnh: HOÀNG PHÚC
Cũng theo các bậc cao niên nơi đây, cuộc sống của người dân ở Chòi Mòi mấy chục năm trước còn nghèo, vất vả và đầy khó khăn.
Cả năm trời hiếm khi nào có khách đến chơi, do điều kiện giao thông không thuận tiện, chủ yếu là đường đất, đường mòn. Có khi tiếng kêu của các loài động vật nghe lảnh lót giữa trưa hè làm người đi đường giật bắn người, tạo không gian hết sức vắng lặng và huyền bí dưới các tán cây lá um tùm và rậm rạp.
Ông Huỳnh Minh Trường, ấp Ngã Tư tâm tình: “Hồi trước, muốn đi vô xóm này hoặc đi từ đây ra ngoài thì chỉ có đi theo đường mòn dọc theo rạch Chòi Mòi, hoặc đi ghe, có khi đi giữa trưa mà không thấy mặt trời, bởi vì dọc con rạch cây lá che kín trên đầu, âm u dữ lắm”.
Tuy vậy, thiên nhiên lại hào sảng, ưu đãi người dân, khi cá tôm dưới rạch Chòi Mòi còn nhiều, chỉ cần siêng năng là không thiếu thức ăn cho bữa cơm gia đình. Rời nhà ông On, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Mì, người vẫn còn giữ lại cây chòi mòi cổ thụ trong vườn như cách để nhắc nhở con cháu nhớ về thuở cha ông đi mở đất.
Ông Nguyễn Văn Mì bộc bạch: “Ở xóm này bây giờ chắc cây chòi mòi của nhà tôi là lớn nhất và là số ít cây còn lại, những nhà khác thì phá bỏ hết để trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế hơn; riêng tôi vẫn giữ lại cây này như để kỷ niệm.
Theo ba vợ tôi, cây này nó bằng tuổi ông, nghĩa là khoảng 100 năm tuổi. Cách đây chưa lâu cũng có người vô hỏi mua để làm kiểng nhưng tôi không bán, bởi vì muốn lưu giữ cây này để con cháu nhớ về thời cha ông đi vô đây khai hoang mở đất”.
Chòi Mòi của hiện tại
Hiện nay, Chòi Mòi thuộc ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh. Ấp Ngã Tư có diện tích hơn 100ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 87,4ha; toàn ấp có 354 hộ. Ấp được công nhận là ấp văn hóa.
Người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số ít buôn bán nhỏ. Trong những năm qua, địa phương đã thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện hộ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống…
Bên cạnh đó, trên địa bàn ấp Ngã Tư có Đường tỉnh 935B đi ngang, hệ thống giao thông nông thôn dần hoàn thiện đã tạo điều kiện để người dân di chuyển, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.
Ấp Ngã Tư được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, công trình đê bao ngăn triều cường, nên tạo điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, tại Chòi Mòi nói riêng, ấp Ngã Tư nói chung nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó, giống mận xanh đường bước đầu đã cho hiệu quả tích cực và đang được người dân nhân rộng, hứa hẹn sẽ là cây trồng hiệu quả cao của các hộ trồng cây ăn trái nơi đây trong thời gian tới.
Tại ấp Ngã Tư còn thực hiện tốt nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng tốt các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân với những hoạt động thiết thực.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt kết quả tốt, hoạt động phòng, chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên và liên tục.
Lưới điện phủ kín địa bàn, 100% hộ dân có điện sử dụng; mạng lưới giao thông nông thôn được kiện toàn với các tuyến lộ đal được đầu tư xây dựng, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị thuần phong mỹ tục…
Giống mận xanh đường bước đầu đã cho hiệu quả tích cực và đang được người dân nhân rộng ở ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG PHÚC
Bí thư Chi bộ ấp Ngã Tư Nguyễn Hoàng Vũ cho hay: “Hiện nay, ấp còn 17 hộ thuộc diện hộ nghèo, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần, các gia đình đều có cuộc sống sung túc với các tiện nghi phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bà con; con em được học hành tốt hơn, bà con thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Song song đó, nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Ông Trịnh Thanh Hùng, ấp Ngã Tư thông tin: “Bà con ở đây thuộc diện hộ nghèo được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo, bà con phấn khởi, quyết tâm làm ăn để vươn lên. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành còn hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để chúng tôi sản xuất đạt hiệu quả, gia đình nào cũng mái tol, mái ngói, nhà tường, tiện nghi phục vụ cho cuộc sống”.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho biết: “Thời gian qua, được trên quan tâm đầu tư nhiều công trình phục vụ sản xuất và đời sống, nên đời sống nhân dân tại xã Tân Thạnh nói chung, ấp Ngã Tư nói riêng có bước phát triển; tình hình an ninh trật tự được giữ vững và ổn định; công tác an sinh xã hội được triển khai hiệu quả”.
Chòi Mòi đang từng ngày thay da đổi thịt từ sự chăm lo của các cấp, các ngành, cùng với sự phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất của người dân. Qua đó, đời sống nhân dân Chòi Mòi, ở ấp Ngã Tư được cải thiện và nâng lên mọi mặt, diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.