Trang trại bơ 034 Dậu Loan ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, (tỉnh Lâm Đồng) nơi sinh trưởng cây bơ gốc 034 đến giữa tháng 6/2024 thu hoạch phần lớn sản lượng chính vụ.
Với tổng diện tích bơ 034 chuyên canh 5 ha phân bổ mỗi năm thu một vụ chính 4 ha và thu 2 vụ chính và vụ phụ 1 ha.
Mật độ chuyên canh 350 - 400 cây/ha tùy theo địa hình từng khu vực. Kết quả thu hoạch chính vụ bơ 034 đạt 3 - 5 tấn mỗi tuần trong 2 tháng vừa qua, tăng 10% so với năm ngoái.
Còn lại khoảng 20 tấn bơ 034 đậu trái cuối mùa, trang trại tiếp tục nuôi dưỡng đảm bảo chất lượng thu hoạch vào đầu tháng 7/2024.
Chủ nhân Trang trại bơ 034 Dậu Loan chia sẻ: “Mùa bơ 034 năm 2024 so với năm 2023 tăng sản lượng thu hoạch từ 10% trở lên, nhưng giá tiêu thụ vẫn giữ nguyên. Bù lại, trang trại chúng tôi qua nhiều năm đã tác động kỹ thuật 100 cây bơ 034 thu hoạch chính vụ và trái vụ, nên thu nhập trên mỗi ha ước trong năm 2024 đạt khoảng 350 - 400 triệu đồng…”.
Cụ thể bơ 034 trái vụ Dậu Loan thu hoạch kéo dài sau 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng bình quân trên mỗi ha từ 70 - 80 tấn, bằng khoảng 30% so với chính vụ, nhưng giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với bơ 034 chính vụ.
Chưa kể trên mỗi cây bơ trái vụ đã thu hoạch vụ chính từ đầu tháng 5 trở đi, sản lượng cộng thêm 50% so với cây bơ một vụ.
Thương hiệu bơ 034 Dậu Loan ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) tác động các biện pháp kỹ thuật để thu hoạch mỗi năm 2 vụ.
Theo ngành Nông nghiệp huyện Bảo Lâm “Bảo Lâm là vùng đất thích hợp cho cây bơ sinh trưởng, đặc biệt giống bơ 034 xuất phát từ hộ ông Nguyễn Văn Dậu, Tổ 2, thị trấn Lộc Thắng, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận cây bơ đầu dòng vào tháng 10 năm 2010”.
Qua đó nhờ đặc tính cây bơ 034 cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, nông dân huyện Bảo Lâm đã trồng xen canh trong vườn cây công nghiệp làm cây che bóng và tạo ra thu nhập ổn định trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất.
Lũy kế đến nay, toàn huyện Bảo Lâm phát triển hơn 2.370 ha bơ 034, tập trung các xã Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc An, Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Phú, Lộc Tân, Tân Lạc và thị trấn Lộc Thắng.
Thuận lợi trên vùng bơ 034 huyện Bảo Lâm canh tác kết hợp kinh nghiệm với kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch lệch vụ so với các vùng lân cận.
Tuy nhiên bơ 034 huyện Bảo Lâm thời gian bảo quản ngắn, vận chuyển khó khăn, nên chưa đủ điều kiện xuất khẩu sản lượng lớn.
Trong thời điểm cung không đủ cầu, một bộ phận thương lái, người nông dân thu họach bơ non, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu bơ 034 đặc trưng của huyện Bảo Lâm.
Trong khi đó, mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua sơ chế, chế biến chưa thực sự chặt chẽ, hợp tác cùng có lợi; quy mô còn nhỏ lẻ; chưa xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tập thể để kiểm soát chất lượng sản phẩm bơ 034 Bảo Lâm.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh, phát triển bền vững cây bơ 034, huyện Bảo Lâm xác định những nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đó là hỗ trợ nông dân phát triển diện tích sản xuất bơ theo các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn trong nước và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, Organic...
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị, công nghệ, nâng cao công suất nhà máy chế biến, bảo quản, đa dạng hóa sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm bơ 034, nâng cao giá trị gia tăng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển tiêu thụ sản phẩm bơ 034 huyện Bảo Lâm. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh bơ 034 Bảo Lâm tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thẩm định các cơ sở sơ chế, chế biến, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, đảm bảo sản phẩm bơ 034 Bảo Lâm đạt chất lượng an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường…”, ngành Nông nghiệp huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) nhấn mạnh.