Trước thềm chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ trả lời phỏng vấn, nêu bật ý nghĩa và kỳ vọng về sự kiện này.
Động lực cho quan hệ song phương
Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hàn Quốc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc? Đại sứ kỳ vọng thế nào về chuyến thăm?
Từ ngày 30/6-3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc. Đây là sự kiện quan trọng, bao hàm nhiều ý nghĩa trọng đại, mở ra trang mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc vốn đã khởi động từ hơn một năm qua.
Kết quả của chuyến thăm này sẽ là động lực cho quan hệ song phương, tạo tiền đề cho những phát triển mới cao hơn, sâu hơn và rộng hơn trong những năm tiếp theo trong quan hệ hai nước.
Kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước rất tích cực và chủ động mở rộng giao lưu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ là dịp để những người bạn, những đối tác và cả người dân hai nước cùng nhìn lại, đánh giá những thành tựu, xác định những thách thức và định ra hướng đi cho các hoạt động tiếp theo của mình.
Bên cạnh đó, sự kiện còn là thông điệp chuyển tới cộng đồng khu vực và quốc tế về quyết tâm của hai nước bện những sợi tơ thành đường dây lụa kết nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của cả châu Á-Thái Bình Dương.
Tất nhiên, với những ý nghĩa trên, nhiều kỳ vọng được đặt ra cho chuyến thăm. Đó chính là lòng tin giữa hai quốc gia được nâng lên tầm cao mới, là những giao thương mới được mở ra và người dân có thêm cơ hội để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, những hoạt động phong phú, đa dạng được tổ chức nhân chuyến thăm còn là dịp để lãnh đạo các cấp, ngành lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, cũng như bạn bè Hàn Quốc với Việt Nam.
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đại sứ hãy nêu những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua?
- Đối tác chiến lược toàn diện là một khái niệm trong quan hệ quốc tế, được dùng để chỉ những mối quan hệ đã phát triển sâu và rộng trên tất cả các mặt, chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại và văn hóa - du lịch. Xét trên khái niệm này, có thể nói quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc thực sự là mối quan hệ chiến lược, phát triển toàn diện và hướng tới bền vững.
Xét về chính trị - an ninh, chỉ trong chưa đầy 2 năm kể từ khi thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện, có tới 6 chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa Lãnh đạo cấp cao của hai nước. Tiếp đó là 7 đoàn cấp Bộ trưởng và hơn 80 đoàn từ các địa phương của hai nước. Những hoạt động này khiến hiểu biết song phương được mở rộng, đặc biệt hơn cả là sự tin tưởng giữa hai nước được nâng lên đáng kể.
Hợp tác kinh tế, trụ cột chính trong quan hệ hai nước cũng là điểm sáng trong hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau hơn 30 năm giao thương, kim ngạch thương mại tăng từ 500 triệu USD năm 1992 lên tới 87 tỷ USD năm 2022 và 76,1 tỷ USD năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 4/2024, đầu tư trực tiếp Hàn Quốc vào Việt Nam duy trì vị trí số một, đạt 85,87 tỷ USD.
Giao lưu nhân dân căn bản phục hồi sau Covid-19. Hiện nay, hơn 250.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc. Năm ngoái, gần 11.000 lao động Việt Nam tới Hàn Quốc và dự kiến con số này là khoảng 13.000 người trong năm nay. Ở chiều ngược lại, 4 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng lên tới 4,5 triệu lượt du khách trong năm nay.
Những con số này vừa cho thấy mối quan tâm lớn từ phía Hàn Quốc với Việt Nam, một thị trường đang “nóng” bậc nhất khu vực. Đồng thời đây cũng là chỉ dấu về niềm tin của cộng đồng người dân và doanh nghiệp hai nước dành cho nhau.
Hàn Quốc có vị trí đặc biệt trong bản đồ đối tác kinh tế của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa qua, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 một lần nữa được nhấn mạnh. Đại sứ hãy chia sẻ chiến lược mà hai nước đang phối hợp triển khai và vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc trong nỗ lực sớm đạt được mục tiêu này?
- Hàn Quốc có vị trí khá đặc biệt trong bản đồ đối tác kinh tế của Việt Nam. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với số vốn lũy kế đến tháng 6/2024 đạt khoảng 86 tỷ USD.
Việt Nam nhập từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện và nguyên nhiên liệu (chiếm hơn 90% tổng nhập khẩu). Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là điện thoại di động, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, máy móc, thiết bị, thủy sản, sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, 50% xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc là do các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam tạo ra.
Như vậy, để đạt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất sẽ hợp tác triển khai các chiến lược sau:
Một là, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường đối với nông sản. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiêu chuẩn nhập khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế, thương mại điện tử, kết nối doanh nghiệp với các kênh phân phối trực tiếp.
Hai là, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, sản xuất - lắp ráp ô tô, sản xuất pin và các mặt hàng xuất khẩu cho thị trường Hàn Quốc.
Ba là, tăng cường xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam các sản phẩm máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, hóa chất, cơ khí - chế tạo và linh kiện, ngành logistics và phân phối tại Việt Nam. Từ đó tạo năng lực cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và xuất khẩu sang các nước khác.
Với những chiến lược này, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đóng vai trò tiên phong, là cánh cổng đầu tiên trong chiến lược hợp tác kinh tế, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương hai quốc gia đạt 100 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Bởi vậy, ngoại giao kinh tế đã được Đại sứ quán coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên thúc đẩy. Trên thực tế, Đại sứ quán đã trực tiếp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia chuỗi cung ứng; tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư hiệu quả; cũng như hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, kinh doanh.
Quả thật, trụ sở Đại sứ quán Việt Nam đã và đang là nơi lui tới thường xuyên của các doanh nhân Hàn Quốc và là ngôi nhà chung của cả các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại đây.
Yếu tố con người có ý nghĩa gì đối với tình hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc? Giao lưu nhân dân cần phải được thúc đẩy như thế nào để “giữ lửa” tình hữu nghị bền chặt này, thưa Đại sứ?
Con người luôn là trung tâm của tất cả các mối quan hệ giữa các quốc gia. Tương tự như vậy, con người có vị trí đặc biệt trong quan hệ Việt-Hàn kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những người Việt đầu tiên đặt chân đến đất Hàn Quốc từ 1000 năm trước đây. Họ tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước mới của mình đã trở thành bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng người Hàn.
Ngày nay, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc cũng đã lớn mạnh, có mặt trên mọi nẻo đường, tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống bản địa. Có thể nói sợi dây kết nối giữa người dân hai nước ngày càng bền chặt và sâu rộng. Những con số như hơn 250.000 người Việt đang sinh sống, học tập trên đất Hàn Quốc, hay hơn 80.000 người kết hôn với người địa phương, đã nói lên tất cả.
Tuy vậy, phải nhìn nhận thực tế rằng các mối nối không thể lâu dài nếu không được nuôi dưỡng đầy đủ và chăm sóc chu đáo. Để “giữ lửa”, có lẽ cần đến một số biện pháp căn cơ, lâu dài.
Đầu tiên là bản sắc. Bản sắc Việt cần được phát huy và mở rộng ở xứ sở kim chi. Bên cạnh những lễ hội, những những hoạt động cộng đồng phong phú đa màu sắc, cần hướng tới xây dựng cộng đồng dựa trên cội nguồn, dựa trên văn hóa, thường xuyên hướng tới quê hương trong khi vẫn đóng góp cho quê hương thứ hai của mình.
Tiếp đó là môi trường. Một môi trường học tập, sinh sống và kinh doanh thuận lợi sẽ giúp cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Để làm được điều này cần đến sự hỗ trợ của cả hai hệ thống Hàn Quốc và Việt Nam. Gặp gỡ, trao đổi và phối hợp thường xuyên sẽ tạo ra những “mảnh vườn ươm” cho các cộng đồng người Việt, tâm hồn người Việt thấm sâu vào lòng xã hội Hàn Quốc.
Thứ ba là tương lai. Nếu ví phát triển quan hệ là “đại lộ” thì giáo dục sẽ là đường dẫn. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho giáo dục, các thế hệ mai sau sẽ luôn vừa tiến bước trên các nẻo đường đã chọn, mà vẫn gìn giữ được bản sắc của mình - bản sắc Việt.
Với nhận thức như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc luôn phấn đấu làm một “ngọn hải đăng” trao gửi niềm tin, để người Việt hướng về. Ngọn lửa trên biển này đã hình thành từ hơn 30 năm trước và đến nay đang được thắp lên mạnh mẽ hơn với sự phát triển quan hệ giữa hai dân tộc.
Với vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam đã và đang đóng góp như thế nào vào mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ hai bên trong năm nay?
Việt Nam tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đến nay đã 3 năm và sẽ kết thúc tháng 8 tới đây. Có thể nói, Việt Nam đã dành nhiều công sức cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ này. Mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP) nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ đang được hai bên quyết liệt triển khai.
Trước hết, cần nhận thấy việc nâng cấp quan hệ là kết quả của sự cộng hưởng. Từ nhu cầu chính trị - an ninh, tới sự phát triển của kinh tế - thương mại và giao lưu nhân dân. ASEAN ở vị trí trung tâm trong nhiều chính sách của Hàn Quốc. Thể hiện rõ nhất trong các sáng kiến gần đây của Hàn Quốc với khu vực châu Á-Thái Bình dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang đậm chất Hàn Quốc với Sáng kiến Đoàn kết ASEAN (KASI) được coi là tâm điểm trong ứng xử của Hàn Quốc với Đông Nam Á. Đây là thông điệp của Hàn Quốc truyền đi về tính kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa hai khu vực chiến lược trên bàn cờ thế giới.
Về hợp tác kinh tế, ASEAN cũng là một môi trường hết sức hấp dẫn. Hàn Quốc và ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và đang triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để thúc đẩy thương mại và đầu tư. Một “trung tâm thương mại” mới đang hình thành với những văn kiện này.
Trong giao lưu nhân dân, hàng năm có khoảng 10 triệu lượt người từ Hàn Quốc và ASEAN qua lại thăm viếng lẫn nhau, tạo ra những mạng lưới vừa rộng vừa sâu giữa các dân tộc.
Tiếp đó, những biến động trong chính trị quốc tế cũng đã khiến hai bên nhận thức được hơn nữa sự cần thiết phái quảng bá văn hóa “đối thoại và hợp tác,” nét đặc trưng trong ngoại giao Đông Á, được ASEAN cổ vũ trong gần 60 năm tồn tại và phát triển. Việc Hàn Quốc tham gia vào tất cả các cơ chế của ASEAN cho thấy rõ điều này.
Nhận thức rõ những thuận lợi, những thách thức đặt ra cho mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hai bên kết nối, phối hợp một cách toàn diện, hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ điều phối.
Những kết nối này đang được các bên tổng kết và sẽ phản ánh trong các văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc sẽ tổ chức tại Luang Prabang, Lào vào mùa Thu tới. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt và tham gia vào quá trình xây dựng các văn kiện và triển khai sau đó.
Xin cảm ơn Đại sứ!