Điều này cộng với những tác động đến từ thời tiết, từ giá cước vận tải biển tăng, từ sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt với nguồn tôm giá rẻ các nước… nên các dự báo hầu hết đều có chung nhận định rằng: sóng gió ngành tôm có thể kéo dài đến hết năm 2024.
Trước nhận định trên, thời gian qua, các doanh nghiệp đều rất tích cực trong việc tìm kiếm, tiếp xúc, trao đổi với khách hàng để duy trì, mở rộng các kênh tiêu thụ từ các cuộc hội chợ thủy sản quốc tế cho đến các cuộc gặp gỡ trực tiếp.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tình hình trước mắt vẫn hết sức khó khăn, giá bán tôm vẫn còn ở mức thấp nên các doanh nghiệp buộc lòng phải giảm giá thu mua tôm nguyên liệu, khiến giá tôm giảm mạnh thời gian qua.
Khó khăn là điều mà tất cả các bên liên quan trong ngành tôm đều đã cảm nhận được, nhưng liệu còn có cơ hội nào cho ngành tôm trong năm nay hay không mới là điều được các bên liên quan quan tâm nhất hiện nay, nhất là đối với người nuôi tôm.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, theo quy luật thị trường thì cơ hội cho ngành tôm thường bắt đầu sáng hơn kể từ quý III trở đi, vì đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm.
Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh, dù hiện tại, phần lớn doanh nghiệp đều đã có hợp đồng giao hàng từ quý III đến cuối năm, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm thế giới vẫn đang ở mức thấp, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất tôm lớn như: Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia chẳng những không giảm đi mà còn có phần gay gắt hơn.
Với giá tôm trong nước hiện tại dù rất thấp nhưng đa phần các doanh nghiệp chỉ dám ký hợp đồng xuất khẩu số lượng ít, thời gian giao nhanh để tránh rủi ro phát sinh vì nguồn cung trong nước khá hạn chế.
Sóng gió ngành tôm được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2024, nhưng người nuôi tôm và doanh nghiệp ngành tôm ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng vẫn còn đó hy vọng và chờ đợi những diễn biến tốt đẹp hơn sẽ đến kể từ sau quý III. Ảnh: TÍCH CHU.
Việc giá tôm giảm mạnh gần như chạm đáy không chỉ mang đến nỗi lo cho người nuôi tôm mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng hết sức lo lắng, bởi một khi người nuôi chưa nhìn thấy được mức lợi nhuận kỳ vọng từ giá bán họ sẽ giảm diện tích nuôi, thậm chí là ngưng nuôi để chờ giá.
Đây cũng chính là rủi ro tiềm tàng mà các doanh nghiệp đã sớm nhận ra, nên họ chưa dám mạnh tay ký kết các hợp đồng có số lượng lớn, thời gian giao kéo dài. Đó còn là giá cước vận tải biển thời gian gần đây đã tăng khá mạnh và chưa biết có còn tăng thêm trong thời gian tới nữa hay không, khi mà các cuộc xung đột chính trị trên thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Nếu ký số lượng nhiều đến thời điểm giao hàng không có tôm, các doanh nghiệp tranh mua đẩy giá lên cao, các doanh nghiệp sẽ cầm chắc thua lỗ.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, số diện tích thả nuôi mới tại đồng bằng sông Cửu Long là không nhiều, kể cả mô hình nuôi lót bạt, nuôi công nghệ cao cũng không dám thả nuôi hết diện tích mà chỉ thả cầm chừng để nghe ngóng thị trường, dù tình hình nuôi đang diễn biến khá thuận lợi.
Sau 2 cuộc hội chợ thủy sản quốc tế lớn nhất trong năm (diễn ra vào tháng 3 và tháng 4), hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm vẫn còn khó, nên dù xuất khẩu 5 tháng đã đạt 2,3 tỷ USD nhưng vẫn chưa cho phép họ lạc quan.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau) cho biết, bây giờ đã gần cuối tháng 6 rồi, nhưng thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tốt lên. Do đó, hiện chưa có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đẩy giá tôm nguyên liệu lên, mà phần lớn vẫn đang nghe ngóng thị trường trước rồi mới đưa ra quyết định.
Tuy có khó khăn, nhưng với có lợi thế lớn về trình độ chế biến và nuôi tôm thẻ về được kích cỡ lớn, ngành tôm vẫn đủ khả năng giữ được phân khúc thị trường cao cấp tại một số thị trường lớn, như: Nhật Bản, EU, Mỹ...
Theo thông tin người viết có được, khả năng giá tôm sẽ được cải thiện từ quý III là khá cao, dù mức độ cải thiện nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người nuôi.
Do đó, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi sao cho hợp lý để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi.
Mặt khác, hiện có rất nhiều điều được chờ đợi và cả kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng từ quý III đến cuối năm 2024.
Đó là kết luận cuối cùng về thuế chống trợ cấp tôm tại thị trường Mỹ dự kiến trong tháng 8 hoặc tháng 9; là đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến trong tháng 10 của đoàn thanh tra châu Âu (EC) về chiếc thẻ vàng IUU và cả sự kỳ vọng về việc kinh tế thế giới sớm hồi phục, lạm phát được kéo giảm mạnh hơn.
Nếu tất cả sự kỳ vọng và chờ đợi trên diễn ra theo kịch bản có lợi cho ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho mục tiêu về đích của ngành tôm trong năm 2024.