Lội đồng ở Sóc Trăng vớt cá thia lia đem về cho đá mà không con nào bị thương

Thứ hai, ngày 09/01/2023 05:25 AM (GMT+7)
Tất cả lên xe gắn máy, hành trang là mấy vỏ chai nhựa, ba cái rổ, mấy chai nước lọc để bắt đầu cuộc đi vớt cá lia thia đồng, là lúc trời vừa rạng sáng của ngày chớm đông. Thế là, tôi tháp tùng hai anh bạn vong niên rồi rồ ga phun khói tìm đến cánh đồng Phường 10, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đi vớt cá.
Bình luận 0

“Ngày nay, môi trường sống của cá lia thia hẹp dần, chuyện đi bắt cá lia thia cũng ít hơn. Vả lại bây giờ, muốn có cá đẹp thì ra tiệm mua là có thể lựa chọn rất nhiều chủng loại, với màu sắc đa dạng, giá cả cũng phải chăng, từ vài chục ngàn là có thể sở hữu một con cá lia thia đẹp rực rỡ. 

Tuy nhiên, đây là loại cá lai chứ không phải cá đồng chính gốc nên người chơi cá lia thia đồng cũng không chuộng lắm. Hơn nữa, đi vớt cá để nhớ về một “tuổi thơ dữ dội”, tự tay mình bắt được và mang về thuần dưỡng mới có cảm giác hân hoan và phấn khích hơn việc mua cá ngoài tiệm. 

Do đó, tôi và anh bạn Lý Vong thường hay rủ nhau đi vớt cá lia thia” - anh Nguyễn Thanh Bình - ngụ Phường 2, TP. Sóc Trăng cho biết.

Lội đồng ở Sóc Trăng vớt cá thia lia đem về cho đá mà không con nào bị thương - Ảnh 1.

Cá lia thia vớt xong được thuần dưỡng, chăm sóc kỹ lưỡng và chờ ngày thi đấu. Ảnh: KGT

Sau một hồi vi vu, mấy chiếc xe cà tàng đã đưa các tay vớt cá đến nơi cần đến là vùng Trà Tim. Việc vớt cá lia thia cũng phải “có nghề”, gọi là có nghề vì muốn vớt được nhiều cá phải biết lựa bờ ruộng, nhìn bọt cá và đặc biệt phải biết lựa con cá cho sung sức về “chiến” mới thắng được.

Trước hết, chọn bờ ruộng phía trên gió, trong bờ ruộng có hang cua, vào mùa khô, cá lia thia sống trong hang cua, cũng giống như ếch, cá lia thia sống nhờ ít nước còn lại trong mùa hạn, còn đa phần nhờ vào nguồn nước mà bọt cua đồng tiết ra, tạo thành đời sống cộng cư thật lạ. Để rồi sau khi mưa ngập cánh đồng, hang cua lại là hang cá lia thia.

“Sau khi quan sát hang cá, ta bắt đầu lựa bọt cá. Hạt bọt phải to, đều và trắng tinh, không có trứng cá con. Vì nếu bọt vàng, bãi bự có khi là bọt cá sặt, bọt có trứng thì cá trống đã “làm cha” không đầy đủ sức lực để chiến đấu với đối thủ được” - anh Nguyễn Thanh Bình bật mí.

Và khi mặt trời gần đến đỉnh đầu, chúng tôi đã có thu hoạch kha khá, bắt đầu phân loại để lựa chọn những con cá chiến nhất mang về, phần còn lại sẽ thả về tự nhiên cho bọn chúng tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Cá vớt xong, mang về thuần dưỡng, chăm sóc kỹ lưỡng và đợi ngày chiến đấu với các đối thủ khác. 

Có người ngâm cá trong nước muối hoặc nước đá làm cho vẩy cá cứng, dày, bị cắn không tróc vẩy, rách da, đứt đuôi. Ngoài ra, để cho cá dạn và sung sức thì có người còn để cá trong bóng tối và không cho ăn gì đến khi đem ra đá cá đói nên cắn vào đuôi, vào râu cá đối thủ rồi nuốt luôn, thế là đối thủ đau quá phải bỏ chạy. 

Nghệ thuật trong lúc đá cá cũng là trò chơi đầy mưu trí, từ chọn địa điểm đá cho đến lựa đối thủ, chọn bể đá và lựa người đổ cá vào bể. Tất cả đều phải có kinh nghiệm mới mong cá mình dễ dàng thắng cuộc. 

Tuy nhiên, cá lia thia hôm nay chúng tôi vớt về không phải để đi đá nhau mà để thi với nhau sau khi đã thuần dưỡng kỹ lưỡng. 

Anh Lý Vong cho hay: “Cá sau khi đá với nhau thì đã ít nhiều bị tổn thương cơ thể dù thắng hay thua nên nhìn cá thấy tiếc và thương quá. Chúng tôi không cho cá đá trực tiếp theo kiểu truyền thống nữa mà để cá thi đấu về hình dáng, màu sắc, phùng mang… khi đặt hai chậu cá cạnh nhau”.


H.P (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem