Mãi đến đời trụ trì thứ tư của họ Ngô là ông Ngô Kim Tòng, am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay. Và cũng vì chùa Đất Sét lập ra để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. Hiện nay chùa do người trong gia đình họ Ngô thay nhau quản lý.
Chùa nằm trên đường Tôn Đức Thắng của TP Sóc Trăng, ngôi chùa này là dấu ấn ghi nhận một người dân nghèo khó nhưng mộ đạo. Được biết ngôi chùa được xây từ nguồn kinh phí của gia đình họ Ngô, ngoài ra không nhận sự phát tâm hay hỗ trợ từ bất cứ nguồn nào.
Theo quan sát, ngôi chùa khá khang trang, rộng rãi trên diện tích khoảng 4- 500m2 với đầy đủ các hạng mục của một cơ sở thờ tự Phật giáo.
Khu chánh điện với tam giáo cộng đồng ( Phật, Nho, Lão) được chống đỡ bởi 24 cột cây ốp đất sét vững chãi như bàn thạch. Tam giáo cộng đồng được thể hiện qua những chuỗi các tượng Phật như Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Di Lặc, Khổng Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc Hoàng Đế, Lão Tử, Tượng Bảo tòa liên hoa với 1000 cánh sen tương ứng 1000 vị Phật ngự.
Bát quái thiên tiên với 8 cung được xây dựng ở phía dưới đài sen. Mỗi cung trong bát quái có hai cung nữ, bên dưới đài sen và bát quái thiên tiên có Tứ đại Thiên Vương.
Đối diện với Bảo tòa liên hoa là tháp Đa Bảo cao 13 tầng với 208 cửa vị thần. Bảo Tòa liên hoa tháp Đa Bảo là hai công trình được ghi nhận Kỷ lục của Việt Nam.
Tham quan chùa Đất Sét, điều thú vị là đan xen giữa hàng ngàn tượng Phật uy nghiêm là trên 200 tượng muông thú hết sức sinh động, vui tươi rất trần thế và đầy tính nhân văn… Chính điều này là điểm nhấn độc đáo khiến ngôi chùa thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch.
Nơi đây còn có 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được dòng họ Ngô đúc từ năm 1940.
Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18/7/1970 đến nay). Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm phải mất hàng trăm năm.
Chuyện về nghệ nhân Ngô Kim Tòng
Chùa Đất Sét mang đậm dấu ấn của nghệ nhân Ngô Kim Tòng – cũng là người trụ trì đời thứ 4 của ngôi chùa. Được biết, ông Ngô Kim Tòng là người con thứ 4 (nên thường được gọi là cậu Năm theo cách gọi của người Nam Bộ).
Vì gia đình nghèo, nên ông chỉ học hết lớp 3 trường làng, rồi ở nhà để coi sóc am tu của gia tộc. Năm 18 tuổi, ông đến xã Phú Hữu (huyện Long Phú) thuê 2 công đất để làm rẫy.
Do nghèo đói, lại làm vất vả nên ông đổ bệnh, phải quay về am tu tại gia và chữa trị. Khi khỏi bệnh, ông đi đào đất sét đem về phơi khô, giã nhuyễn,...rồi nhào nắn nên những cốt tượng theo trí tưởng tượng của minh. Với lòng say mê hiếm có, ông đã miệt mài vừa làm, vừa học để làm ra tác phẩm, chứ không kinh qua trường lớp.
Từ năm 38 tuổi, sau khi người cha mất, ông Tòng và người chị ba cùng nối nghiệp cha, ăn chay trường và tu tập, ông trở thành người kế thừa đời thứ tư của dòng họ "Ngô Cư sĩ học Phật tu nhơn".
Sau hơn 20 năm tu tập và nặn tượng tại Bửu Sơn tự, gia tài ông Ngô Kim Tòng sáng tạo được hàng ngàn tượng Phật bằng đất sét, bằng sáp và trên 200 tượng linh thú. Ngoài ra, trong chùa còn có những bức hoành phi, đỉnh trầm, bảo tháp cũng được tạo bằng đất sét tinh xảo, sống động nhìn y như thật.
Chính vì ngôi chùa có số lượng tượng Phật bằng đất sét nhiều nhất trong cả nước nên Bửu Sơn tự được dân gian gọi tên là chùa Đất Sét. Ngày 18/7/1970, ông Tòng qua đời, thọ 62 tuổi. Hiện nay, trong chùa Đất Sét có ban thờ ông Ngô Kim Tòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.