Sau loạt bài phản ánh Công ty CP dược phẩm Thái Minh (gọi tắt là Công ty dược phẩm Thái Minh) quảng cáo TPBVSK Bình vị Thái Minh, Tràng Phục Linh Plus, Khương Thảo Đan Gold như thuốc chữa bệnh, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Công ty dược phẩm Thái Minh trong việc quảng cáo này.
Gửi ý kiến về tòa soạn Báo điện tử Dân Việt, bạn đọc Thanh Hà cho rằng, theo thông tin báo nêu, rõ ràng tổng đài tư vấn bán hàng của Công ty dược phẩm Thái Minh xác nhận 3 website.binhvithaiminh.vn (website Bình vị Thái Minh), website www.trangphuclinh.vn (website Tràng Phục Linh) và www.khuongthaodan.com.vn (website Khương Thảo Đan) là của Công ty dược phẩm Thái Minh.
Đồng thời, nhân viên tư vấn sản phẩm Bình vị Thái Minh của Công ty dược phẩm Thái Minh tư vấn cho người bệnh rằng sản phẩm TPBVSK Bình vị Thái Minh có công dụng như thuốc chữa bệnh, có thể điều trị dứt điểm các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng, ợ hơi… của người có bệnh lý đau dạ dày.
Việc nhân viên Công ty dược phẩm Thái Minh tư vấn sản phẩm TPBVSK như thuốc chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm điểm b, khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo đó, Cục ATTP cũng cần vào cuộc, xử phạt việc nhân viên Công ty dược phẩm Thái Minh tư vấn TPBVSK Bình vị Thái Minh có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Bạn đọc Hoàng Hải cho rằng, Cục ATTP cần làm rõ động cơ, mục đích của 3 cá nhân đã bị xử phạt là bà Lê Thị Vân Anh và ông Lê Quang Tuấn Anh - Cộng tác viên Công ty cổ phần và sản xuất truyền thông Trang Việt và bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (cá nhân sở hữu 3 website Bình vị Thái Minh, website Khương Thảo Đan và website Tràng Phục Linh).
"Không phải tự dưng những cá nhân này lại đổ tiền bạc vào lập website chạy quảng cáo các sản phẩm của Công ty dược phẩm Thái Minh. Cơ quan chức năng cần làm rõ những cá nhân này được đơn vị nào thuê chạy quảng cáo các sản phẩm Bình vị Thái Minh, Khương Thảo Đan Gold và Tràng Phục Linh Plus.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà 3 nhân viên tư vấn tổng đài sản phẩm của Công ty dược phẩm Thái Minh khẳng định website Bình vị Thái Minh, website Tràng Phục Linh, website Khương Thảo Đan là của Công ty dược phẩm Thái Minh", bạn đọc nêu quan điểm.
Thêm nữa theo Hoàng Hải, nếu không biết rõ website Bình vị Thái Minh, website Tràng Phục Linh, website Khương Thảo Đan viết gì về sản phẩm thì những nhân viên tổng đài tư vấn sản phẩm của Công ty dược phẩm Thái Minh sẽ không thể nhận đây là website của Công ty dược phẩm Thái Minh. Do vậy, trước những tài liệu phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Bạn đọc Hà Thanh cho hay, 3 website Bình vị Thái Minh, website Tràng Phục Linh, website Khương Thảo Đan lợi dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu với Trường Đại học Y Hà Nội, công bố sản phẩm có công dụng "thần kỳ" như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có công dụng hơn cả "thần dược" khi công bố sản phẩm Bình vị Thái Minh đã được Đại học Y Hà Nội nghiên cứu và chứng minh hiệu quả giúp giảm 91,8% trào ngược dạ dày thực quản…
Có thể thấy việc lợi dụng danh nghĩa của Trường Đại học Y Hà Nội rất rõ, nhưng khi Báo điện tử Dân Việt đề nghị làm rõ việc nhà trường có hợp tác nghiên cứu với Công ty CP Công nghệ cao Thái Minh hay không, đây là nghiên cứu tiền lâm sàng hay nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu sản phẩm ra sao…, thì Trường Đại học Y không mấy mặn mà trong việc cung cấp thông tin.
"Trường hợp nếu là tôi, tôi sẽ cung cấp thông tin nghiên cứu rõ ràng, nhờ Báo điện tử Dân Việt phản ánh tới các cơ quan chức năng xử lý những cá nhân, đối tượng lợi dụng danh nghĩa của nhà trường để quảng cáo TPBVSK như thuốc chữa bệnh nhằm lừa người dân. Việc Trường Đại học Y Hà Nội lên tiếng phản biện rõ ràng cũng là trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội", bạn đọc Hà Thanh bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vấn đề nhân viên tư vấn tổng đài của Công ty CP dược phẩm Thái Minh tư vấn TPBVSK Bình vị Thái Minh có công dụng như một loại thuốc chữa bệnh, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, một chuyên gia cố vấn trong lĩnh vực sản xuất TPBVSK (xin được giấu tên) cho biết, công dụng thực sự của TPBVSK chỉ là hỗ trợ nhằm cải thiện, tăng cường và duy trì các chức năng của cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tật... Thế nhưng, thay vì quảng cáo, giới thiệu đúng chức năng của TPBVSK, một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận quảng cáo TPBVSK có công dụng như một loại thuốc chữa bệnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhân viên tư vấn sai về công dụng là thiếu đạo đức nghề nghiệp. Bởi vậy, căn cứ vào các tài liệu, bài báo phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, Cục ATTP hoàn toàn có thể vào cuộc yêu cầu Công ty dược phẩm Thái Minh giải trình làm rõ nội dung nhân viên tổng đài tư vấn sản phẩm Bình vị Thái Minh như thuốc chữa bệnh. Đồng thời, có thể xử phạt hành vi này theo quy định của pháp luật.
Theo vị chuyên gia này, về nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép nội dung quảng cáo TPBVSK không đơn vị nào cấp phép sản phẩm cho sản phẩm dùng từ "điều trị". Từ điều trị chỉ dùng cho thuốc chữa bệnh. Do vậy, để đánh lừa người tiêu dùng, hiện nay có rất nhiều các website, thậm chí là trình dược viên của các Công ty kinh doanh TPBVSK tư vấn cho người tiêu dùng sản phẩm có thể điều trị bệnh, dù những sản phẩm này chỉ là TPBVSK. Và trong trường hợp này nhân viên tư vấn sản phẩm Bình vị Thái Minh của Công ty dược phẩm Thái Minh là một ví dụ điển hình.
Nói về việc website Bình vị Thái Minh công bố sản phẩm đã được Đại học Y Hà Nội nghiên cứu và chứng mình hiệu quả giúp: Giảm 91,8% trào ngược dạ dày thực quản, cải thiện chỉ số loét và diện tích ổ loét ở niêm mạc dạ dày, giảm đau dạ dày hiệu quả, vị chuyên gia cho hay nếu đúng kết quả nghiên cứu như trên thì sản phẩm Bình vị Thái Minh không khác gì "thần dược", vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, nếu sản phẩm có công dụng như website Bình vị Thái Minh công bố thì nên chuyển sang đăng ký thành thuốc chữa bệnh để có thể cứu chữa cho nhiều người mắc bệnh dạ dày.
Tuy nhiên, theo vị này, cần làm rõ nghiên cứu nói trên nghiên cứu trên đối tượng nào, kết quả nghiên cứu ra sao, đây là nghiên cứu lâm sàng hay nghiên cứu tiền lâm sàng…
"Thậm chí, trường hợp nếu có kết quả nghiên cứu như quảng cáo, khi gửi sang Cục ATTP, Cục này cũng phải thẩm định những nghiên cứu này xem có thể cấp nội dung quảng cáo hay không? Bởi, hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp mập mờ việc nghiên cứu sản phẩm, phối hợp với 1 đơn vị nào đó của nhà nước, thực hiện nghiên cứu trên động vật, sau đó lại đưa kết quả nghiên cứu này quảng cáo như nghiên cứu trên người để đánh lừa người tiêu dùng", vị chuyên gia nói.
Vị chuyên gia cho hay, theo hồ sơ cấp phép quảng cáo, sản phẩm TPBVSK Tràng Phục Linh Plus chỉ có công dụng: giúp giảm các kích thích gây co thắt đại tràng; giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt như đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân sống, phân nát; hỗ trợ phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa; còn sản phẩm Khương Thảo Đan Gold có công dụng: hỗ trợ làm trơn khớp và phục hồi sụn khớp; hỗ trợ giảm các nguy cơ thoái hóa khớp… nên nói sản phẩm Tràng Phục Linh Plus có tác dụng giảm co thắt đại tràng, giúp phục hồi niêm mạc đại tràng. Đồng thời, so sánh sản phẩm này khi nghiên cứu với thuốc chứng dương Duspatalin là phi lý, là đánh lừa người dân.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, thời gian qua xuất hiện nhiều website quảng cáo TPBVSK Bình vị Thái Minh, Tràng Phục Linh Plus, Khương Thảo Đan Gold như thuốc chữa bệnh. Quá trình xác minh, nhân viên tổng đài tư vấn 3 sản phẩm nói trên thừa nhận 3 website Bình vị Thái Minh, website Tràng Phục Linh, website Khương Thảo Đan là của Công ty CP dược phẩm Thái Minh.
Thậm chí, nhân viên tổng đài sản phẩm Bình vị Thái Minh của Công ty CP dược phẩm Thái Minh còn tư vấn sản phẩm Bình vị Thái Minh có thể điều trị dứt điểm các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng, ợ hơi… của người có bệnh lý đau dạ dày.
Điểm b, khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.