Theo đó, mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những người thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP này là các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình và các cá nhân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng các tổ hợp tác/nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận căn cứ trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân và các tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.
Đối với diện tích thanh long còn hiệu lực chứng nhận VietGAP, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường đánh giá định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện.
Tập trung hướng dẫn để giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP và thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định. Kiểm tra, đánh giá để xem xét cấp lại giấy chứng nhận đối với các cơ sở có yêu cầu.
Đối với diện tích thanh long cần đăng ký chứng nhận mới và tái cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2024, các sở, ngành, địa phương phải tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất. Song song đó là triển khai đào tạo, hướng dẫn các quy định yêu cầu về VietGAP, tổ chức lấy mẫu quả thanh long và cấp giấy chứng nhận. Sau khi chứng nhận phải công bố chất lượng sản phẩm, các yếu tố vệ sinh theo yêu cầu của VietGAP rộng rãi cho nhiều người cùng biết…
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024, diện tích và sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục giảm. Đến nay, toàn tỉnh còn 26.550ha, sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 325.000 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, năm 2020, diện tích cây thanh long của địa phương là trên 33.700ha, cho sản lượng đạt trên 650.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích thanh long đã giảm hơn 7.000ha, sản lượng ước đạt trên 570.000 tấn/năm.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá cả luôn biến động ở mức thấp, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nông dân. Do đó, thời gian qua, nhiều nông dân đã phá bỏ và không chăm sóc hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Có thể nói, gần 20 năm qua, cây thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người nông dân còn ít mặn mà với loại cây "làm giàu" này nên đã có nhiều gia đinh chuyển sang trồng lúa. Trong số này có nhiều hộ nông dân ở huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc.