Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội

Thu Hà Thứ ba, ngày 02/07/2024 15:33 PM (GMT+7)
Ngày 2/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.
Bình luận 0

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Đào Minh Tú - Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện của một số bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các trường đại học và doanh nghiệp.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là minh chứng quan trọng cho thấy mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 2.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta.

"Những điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội"- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW trình Ban Bí thư, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu thảo luận, làm rõ ý nghĩa và vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó làm rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Qua đó phân tích, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW… Đồng thời, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới...

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 3.

Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết: Qua 10 năm triển khai, đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 373.000 tỷ đồng, tăng 235.745 tỷ đồng (gấp 2,72 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 30/4/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 45.766 tỷ đồng, chiếm 12,3%/tổng nguồn vốn, tăng 41.874 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Đây cũng là cơ sở để Ngân hàng CSXH đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao trong 10 năm qua, tạo điều kiện giúp trên 20,6 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 706.668 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 346.000 tỷ đồng, tăng gần 218.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ (thời điểm 30/4/2024), thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 123.590 tỷ đồng, chiếm 35,6%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại huyện nghèo 33.546 tỷ đồng, chiếm 10%/tổng dư nợ, với gần 556.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 85.857 tỷ đồng, chiếm 25%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 4.

Hội thảo đã nhận được 46 bài tham luận của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, các viện, trường, chuyên gia và nhà khoa học.

Hội thảo đã nhận được 46 bài tham luận của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, các viện, trường, chuyên gia và nhà khoa học. Trong đó, có 8 tham luận được các đại biểu phát biểu trực tiếp tại Hội thảo cùng nhiều ý kiến tham gia thảo luận mở có giá trị...

Hội thảo cũng quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về: huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn; đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; vai trò, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội; định hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy giải pháp sáng tạo, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 5.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho biết: Các tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo đã cung cấp những cơ sở khoa học, thực tiễn và sự cần thiết của việc đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới. Đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo đã trình bày cụ thể cơ sở khoa học, bài học kinh nghiệm thực tiễn để góp phần phục vụ cho việc xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội".

Trên cơ sở hội thảo lần này, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem