Làm du lịch nông nghiệp, nông dân Cần Thơ tăng thu nhập 30%, có nông dân xuất sắc nuôi cá đặc sản thu tiền tỷ

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 01/07/2024 15:50 PM (GMT+7)
Với sự đồng hành của Hội Nông dân, nông dân TP Cần Thơ không chỉ trông chờ vào vụ mùa thu hoạch, mà còn biết cách làm tăng thêm giá trị nông sản từ nhiều mô hình nông nghiệp du lịch ngay trên mảnh vườn, ao cá, thửa ruộng của mình.
Bình luận 0

Hội Nông dân Cần Thơ hỗ trợ 150 hộ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ - bà Trần Thị Thiên Thư cho biết: Hiện nay, các cấp Hội Nông dân đang triển khai chương trình hỗ trợ khoảng 150 hộ nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp du lịch theo hướng bền vững. Theo thống kê sơ bộ, những hộ này có thu nhập cao hơn những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần từ 30% trở lên.

Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp kết hợp du lịch, trang bị kiến thức cho các hộ nông dân, Hội Nông dân thành phố tăng cường tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu đến các nông hộ những kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển mô hình, quản trị kinh doanh và liên kết phát triển. 

Làm du lịch nông nghiệp, nông dân Cần Thơ tăng thu nhập 30%, có nông dân xuất sắc nuôi cá đặc sản thu tiền tỷ- Ảnh 1.

Với mô hình nuôi cá quý hiếm kết hợp làm du lịch cộng đồng, bè cá của ông Lý Văn Bon đón nhiều khách tham quan. Ảnh: Hải Sơn

Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP Cần Thơ, để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương trong định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư và hỗ trợ nông dân về: Nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách, tập huấn đào tạo kỹ năng làm du lịch, hướng dẫn sản xuất, chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin…

Trên cơ sở đó, các nông hộ sẽ nhìn nhận, đánh giá mảnh vườn, thửa ruộng của mình có thế mạnh như thế nào; khu vực xung quanh cũng như địa phương và rộng hơn là thế giới đang phát triển du lịch nông nghiệp theo xu hướng nào.

Khi đã có định hướng phù hợp, các nông hộ tiếp tục được hỗ trợ tham gia các khóa tập huấn những kỹ năng mềm, thích ứng với việc chuyển đổi từ chú trọng sản xuất sang dịch vụ. Nông hộ sẽ được các chuyên gia đào tạo kỹ năng giao tiếp với khách du lịch; khả năng sử dụng tiếng Anh cơ bản trong chào hỏi và đặt món ăn; một số kiến thức cơ bản về văn hóa - lịch sử đặc trưng của Cần Thơ để giới thiệu đến du khách…

Về hỗ trợ nguồn vốn, Hội Nông dân TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội kết nối chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Cần Thơ có nguồn vốn khoảng 45 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này, các nông hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất bằng hình thức tín chấp thay vì phải thế chấp. Số tiền mỗi hộ được vay tùy theo quy mô của mỗi mô hình và tối đa có thể đến 100 triệu đồng.

Làm du lịch nông nghiệp, nông dân Cần Thơ tăng thu nhập 30%, có nông dân xuất sắc nuôi cá đặc sản thu tiền tỷ- Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP Cần Thơ thăm hỏi tình hình sản xuất của các thành viên Tổ hợp tác Trồng sầu riêng ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền. Ảnh: Kiến Quốc

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông dân Cần Thơ tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập

Hội Nông dân Cần Thơ còn phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào chế biến nông sản thành những sản phẩm phục vụ cho chuỗi các hoạt động du lịch như quà lưu niệm. Các sản phẩm tinh chế này còn được hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm OCOP, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. 

Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 - 4 sao, trong đó một số sản phẩm có tiềm năng nâng cấp lên được năm sao. Phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với sản phẩm OCOP vừa góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông hộ, vừa quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương đến du khách nội địa cũng như quốc tế.

Điển hình như mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch của Nông dân Việt Nam xuất sắc Lý Văn Bon (Bảy Bon) ở Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy). Bè cá của ông Bảy Bon luôn đông khách tham quan. Với diện tích 6.000m2 mặt nước, 30 lồng bè, hiện nay, ông Bảy Bon đang nuôi cá các loại theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Bon chia sẻ: "Năm 2000, tôi bắt đầu nuôi thát lát cườm trên bè. Trong quá trình sản xuất, bản thân vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Ngoài nuôi cá thát lát cườm để bán, tôi còn đầu tư nhà xưởng để chế biến chả cá rút xương, cá thát lát muối sả...".

Hằng năm, mô hình nuôi cá bè của ông Bảy Bon thu hoạch trên 1.000 tấn, phục vụ chế biến và cung cấp cho thị trường. 

Không dừng lại ở thành công này, gia đình ông Bảy Bon còn mở du lịch đón khách đến tham quan bè cá từ năm 2017 đến nay. Hơn 6 năm làm du lịch, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về làm du lịch, an toàn thực phẩm do các cấp Hội Nông dân, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức, ông Bảy Bon luôn học hỏi và tìm hiểu thị hiếu khách hàng để phục vụ ngày càng tốt hơn.

Thời gian gần đây, mỗi năm, bè cá của gia đình ông đón tiếp trên 36.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã mang về cho gia đình ông lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Còn ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A cũng khá thành công với mô hình du lịch nông nghiệp. Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A cho hay: Thời gian qua, HTX được Hội Nông dân và các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP trên cây ăn trái và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Qua đó, trái vú sữa và sầu riêng đảm bảo đạt chất lượng an toàn cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, nông dân liên kết.

Để phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, HTX đã và đang từng bước xây dựng được vùng trồng vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn, với tổng diện tích trên 45ha, trong đó có 25ha được canh tác theo tiêu chuẩn GAP nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện sản phẩm vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng của HTX được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao với sản lượng bình quân gần 100 tấn vú sữa/vụ/năm.

Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản xuất cây trồng thế mạnh và phát triển du lịch trải nghiệm, HTX đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho 34 thành viên, với doanh thu trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP Cần Thơ, để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương trong định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư và hỗ trợ nông dân về: Nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách, tập huấn đào tạo kỹ năng làm du lịch, hướng dẫn sản xuất, chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin… 

Đặc biệt, chú trọng các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du lịch. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy ngành du lịch thành phố tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Thời gian tới, Hội Nông dân Cần Thơ sẽ phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành chuyên môn, triển khai hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem