Thành phố Cảng Hải Phòng nổi tiếng với nhiều món ăn độc đáo được chế biến từ nguyên liệu của biển cả. Khi đến thăm thành phố Cảng, ngoài việc được khám phá đảo, vịnh, hòa mình vào những bãi tắm nước trong xanh, cát trắng,... du khách còn được thưởng thức vô vàn món ăn thơm ngon. Nhờ có các món ăn thanh mát đặc trưng này, danh sách đặc sản Hải Phòng "hút hồn" du khách càng thêm phần hấp dẫn.
Ở Hà Nội hoặc TP HCM, không khó để tìm được các quán bán đặc sản Hải Phòng như đánh đa cua, bánh mì cay, pate Cột Đèn. Nhưng có một đặc sản nếu muốn ăn, thực khách phải về Hải Phòng để thưởng thức, đó là giá bể xào.
Giá bể hay giá biển là một loài nhuyễn thể có lớp vỏ màu xanh sẫm, phần thịt ngọt, thoạt nhìn khá giống con trai nhưng kích thước chỉ bằng ngón tay cái. Chúng sống sâu dưới lớp cát biển, có chân dài khoảng 4 - 5 cm lộ ra ngoài, thon nhỏ và có hình dạng giống giá đỗ nên được gọi là giá bể.
Nguyên liệu chính, giá bể tươi, được nhập từ các vùng biển Hải Phòng như Tràng Cát (quận Hải An), Đồ Sơn (quận Đồ Sơn), Cát Bà (huyện Cát Hải). Vì giá bể sống trong cát nên quá trình sơ chế kỳ công. Lớp vỏ bên ngoài cần được loại bỏ đất cát bằng cách cọ, chà sát. Sau đó ngâm giá bể tươi trong nước ít nhất 6 tiếng để chúng nhả hết chất bẩn bên trong rồi rửa sạch.
Sau khi sơ chế, phần chân giá bể được tách rời, phần thân giữ nguyên vỏ xào với hành, tỏi, riềng, sả, bột nghệ, giấm cùng các gia vị. Bột mì hoặc bột năng pha loãng được dùng để tạo độ sệt cho món ăn. Giá bể xào thành phẩm là một hỗn hợp thịt giá bể cùng với nước sốt sánh, mịn có màu vàng của nghệ.
Khi nấu xong, giá bể sẽ có màu vàng của nghệ, pha chút màu xanh của giá bể, hòa quyện trong nước xốt sánh mịn tạo nên một món ăn thơm ngon, quyến rũ. Tuy nhiên, đối với những ai lần đầu, có thể người ta sẽ thấy đây là một món tương đối "khó ăn". Lý do là bởi, tuy hương vị của con giá bể có vị mềm ngọt, béo ngậy, rất thơm ngon nhưng chúng có một lớp vỏ. Khi ăn, thực khách phải thưởng thức từng con một.
Việc thưởng thức giá bể xào không đơn giản như dùng đũa gắp sợi bánh đa hay dùng kim lấy thịt ốc. Thực khách phải kết hợp răng và lưỡi một cách khéo léo để tách vỏ và thịt giá bể ngay trong khoang miệng. Tuy lớp vỏ giá bể khá mềm nhưng đây là một thử thách với những người không quen cách ăn đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên nhẫn cao này.
Giá bể là loài nhuyễn thể giống như sứa nên có thể gây dị ứng với một số người. Đối với những người lần đầu trải nghiệm, thực khách nên ăn một lượng nhỏ trước và đợi trong khoảng 15 - 20 phút xem phản ứng của cơ thể.
Phần thưởng mà thực khách nhận được là lớp thịt ngọt, bùi quyện với nước sốt chua ngọt dậy mùi thơm của nghệ, riềng, sả, giúp khử mùi tanh đặc trưng của giá bể. Chân giá là lớp vỏ ngoài trong suốt bọc lấy phần thịt bên trong, thực khách có thể ăn cả vỏ. Phần chân giòn sần sật, có chút dai và ngọt bùi của thịt, khi nhai có cảm giác vui miệng.
Đa phần người dân Hải Phòng đều ăn giá bể cùng với tương ớt và rau thơm. Bát giá bể nóng hổi, vàng ươm, thơm nức thường được rắc thêm một ít rau thơm. Khi ăn phải đảo đều lên khiến cho mùi hương của món ăn tỏa ra ngào ngạt. Thực khách phải ăn một cách chậm rãi, từ tốn mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn này.
Ở Hải Phòng, giá bể xào là một món ăn vặt yêu thích. Các quán bán giá bể thường mở hàng từ chiều đến tối. Đây là bữa ăn xế của nhiều người dân Hải Phòng, giá thành tương đối rẻ chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng là có thể được thưởng thức một giá bể xào nóng hổi và thơm ngon.
Nếu đã quá chán những món ăn đường phố hoặc sang xịn, du khách có thể thử trải nghiệm một phong cách món ngon Hải Phòng khác hơn - cơm nhà. Cá mòi kho là đặc sản vùng Kiến Thụy - top 1 đề xuất của dân địa phương khi tìm kiếm món ngon Hải Phòng có gì.
Theo những người dân sinh sống tại các xã gần khu vực cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, cá mòi là sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Cá ở đây phần thân trên dày, chắc còn phần bụng có lớp mỡ béo ngậy. Đặc trưng của cá mòi là tanh và nhiều xương dăm. Muốn có cá ngon, người làm phải dậy từ sáng sớm hoặc lúc chiều muộn tới các bến cá để chọn. Đây là thời điểm ngư dân mang những mẻ cá mòi tươi rói vừa đánh về. Sau đó, cá được rửa sạch, bỏ mang, bỏ ruột, tẩm ướp gia vị.
Tùy vào cách chế biến của từng nhà, cá mòi được tẩm ướp khác nhau nhưng không dưới 16 vị, trong đó có những vị rất đặc trưng của Hải Phòng. Đó là vị chua chua, thanh thanh của chay, vị ngọt ngào của mía, vị cay cay, thơm nồng của gừng, ớt tạo nên một hương vị hoàn hảo, đặc trưng. Ngoài việc chọn cá, nêm nếm gia vị, việc sắp xếp cá cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo khi kho xong, cá vẫn giữ nguyên con, không vỡ, nát.
Để có được món cá mòi kho thơm ngon chuẩn vị là cả một quá trình chế biến đầy sự kiên nhẫn và công phu của người làm nghề.
Trong đó, đối với nguyên liệu chuối xanh cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Chuối phải là loại chuối xanh bánh tẻ, không được quá non và cũng không được quá già. Quá non sẽ có vị chát, nếu già thì sẽ bị nát trong quá trình kho. Do vậy, mỗi khi có thương lái giao hàng, sẽ có nhân viên phụ trách chất lượng kiểm tra từng nải chuối, nếu đạt yêu cầu thì mới nhập. Chính sự cẩn thận này đã góp phần vào việc tăng hương vị cũng như chất lượng của món cá mòi kho thơm ngon nức tiếng này.
Để cá không bị cháy, nghệ nhân kho cá thường lót dưới đáy nồi một lớp riềng, rau răm và mía rồi mới xếp cá lên trên. Thời gian kho cá kéo dài liên tục trong 12 tiếng đồng hồ sao cho khi cá chín, xương cá nhừ mà thịt cá vẫn rắn chắc, béo ngậy, gia vị ngấm đều vào từng thớ thịt của cá. Cá kho đạt chuẩn có màu vàng óng, thơm ngon hòa quyện cùng hương vị của 16 loại gia vị đủ làm "xiêu lòng" bất cứ một thực khách khó tính nào.
Hải Phòng là vùng đất cửa sông, cửa biển với chất nước lợ giàu phù sa, nhiều sinh vật phù du – là thức ăn đặc trưng của loài cá mòi, khiến cho cá nơi đây dày mình hơn, ăn béo ngậy, thơm ngon, đậm đà hơn những vùng miền khác. Cá mòi rất béo và giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là Omega 3 và các vitamin tốt cho trí não, xương khớp.
Ẩm thực Hải Phòng: Bánh đúc tàu với hương vị ngon lạ có "1-0-2"
Bánh đúc tàu Hải Phòng là món ăn đường phố có nguồn gốc từ Trung Hoa. Khoảng 50 năm trước, khi người Hoa di cư đến Hải Phòng, họ đã làm và bán món bánh đúc ở đây. Đến ngày nay, bánh đúc tàu đã trở thành một trong những đặc sản Hải Phòng hot nhất thành phố Cảng.
Với vị dẻo thơm của bột, vị bùi bùi của nhân, món bánh đúc Tàu Hải Phòng là món ruột của mọi người con xứ hoa phượng đỏ khi hè về. Khi ăn, bánh đúc trắng mềm được cắt thành từng miếng nhỏ, cho vào bát rồi bỏ thêm các topping như đu đủ hoặc su hào thái hạt lựu, mộc nhĩ thái sợi, tôm rang, thịt ba chỉ, hành phi, nước mắm. Bát bánh đúc có vị chua, ngọt, mặn đặc trưng, lại vô cùng thanh mát, đích thị là món ăn không thể bỏ qua trong ngày hè.
Bánh đúc được đặt trong một chiếc khay lớn, nóng hôi hổi. Người bán hàng cứ thế thoăn thoắt đôi tay, hết cắt bánh đúc, xúc nhân rồi lại chan nước mắm. Hết lượt khách ngồi ăn, chủ quán lại nhanh tay gói bánh đúc cho khách mua về đang đứng chờ.
Một bát bánh đúc tàu gồm có bánh đúc cắt nhỏ, thịt và tôm rán kỹ, đu đủ xắt hạt lựu, mộc nhĩ thái sợi, sau đó chan nước mắm giấm ớt. Tuỳ khẩu vị, khách có thể cho nhiều, ít hoặc không cho ớt, bởi vậy mà bánh đúc ở đây được chia làm ba loại là không cay, cay ít và cay nhiều.
Bánh đúc ở đây rất mịn, chắc, được cắt miếng vừa ăn. Nước mắm là loại mắm giấm được pha chế với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hoà quyện. Khi ăn, vị mắm ngấm vào bánh đúc, ăn thêm chút thịt và tôm giòn tan thì vô cùng tuyệt vời. Thịt được chọn để làm món này là loại thịt ba chỉ, vừa có chút nạc, vừa có mỡ, sau đó chiên cùng với tôm. Miếng thịt và tôm đều giòn tan nhưng lại không hề bị khô, không ngấy và rất dễ ăn.
Đặc biệt, đu đủ xắt hạt lựu được chế biến rất tài tình, nhuốm màu hạt điều, vừa đẹp mắt, vừa tạo mùi vị hấp dẫn. Khách ăn không tinh ý thì không thể nhận ra đó là đu đủ, thậm chí còn rất nhiều người lầm tưởng rằng mình đang ăn... su hào hoặc củ cải. Bánh đúc khi đến tay khách ăn vẫn còn nóng hôi hổi. Độ nóng vừa phải càng khiến cho mùi thơm của bánh đúc, của thịt và tôm chiên dậy lên, thơm lừng, cuốn hút. Xúc từng miếng bánh đúc ngập mắm giấm lên ăn, rồi ăn thêm chút đu đủ, mộc nhĩ, miếng thịt và tôm chiên giòn, mọi thứ hoà quyện tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.
Cái hay của món ăn này, đó là một bát bánh đúc có thể ăn đủ no, nhưng nó lại khiến cho người ta có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm bát nữa.
Bánh đúc nóng Hải Phòng kiểu Trung Hoa thường có giá chung là 10.000 - 20.000 đồng/bát. Đến xứ Cảng, chỉ "chăm chăm" đi ăn bánh mì que, bún cá cay,... mà bỏ qua bánh đúc tàu Hải Phòng thì quả là một thiếu sót lớn. Vì vậy, thực khách đừng quên nếm thử một bát bánh đúc thơm ngon, nóng hổi để nhớ mãi về nền ẩm thực độc đáo của mảnh đất Hải Phòng.