Cách đây 8 năm, gia đình anh Hoàng Văn Xô, thôn Trĩ Trong là 1 trong 2 hộ đầu tiên ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) mạnh dạn đưa con cá tầm về nuôi thử nghiệm.
Trước đó, để chuẩn bị đưa loại cá “nhà giàu” về nuôi thử nghiệm, anh Xô trực tiếp đi học hỏi kiến thức, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh từ các hộ có kinh nghiệm nuôi cá tầm ở thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát.
Khi đã nắm được kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, anh nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật và tham vấn chuyên gia để đầu tư trang trại nuôi khoa học, chuyên nghiệp.
Anh xây dựng hệ thống 4 đường ống độc lập dẫn nước về 4 bể tròn tiêu chuẩn.
Với tính cẩn trọng, vụ đầu tiên anh chỉ nuôi thử nghiệm 1 bể với hơn 100 con cá tầm giống.
Sau thời gian nuôi thử nghiệm, cá tầm là loại cá đặc sản thích nghi tốt, hợp nguồn nước, khí hậu địa phương, anh tự tin đầu tư mở rộng quy mô bể nuôi.
Hiện với 4 bể nuôi cá tầm liên hoàn, mỗi năm gia đình anh Xô cung cấp ra thị trường hơn 5 tấn cá tầm thương phẩm, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Nuôi "cá nhà giàu"-nuôi cá tầm, một loại cá đặc sản, nhiều hộ nông dân xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) có thu nhập tốt hơn.
Theo anh Xô, cần chú trọng phòng bệnh cho cá tầm thời điểm giao mùa, nhất là sau khi trời mưa, nước trong bể nuôi thường bị đục, lúc này cần nhanh chóng hạ mực nước trong bể, vệ sinh và thay nước mới.
Đồng thời, anh Xô tiến hành tắm muối nhằm kiểm soát ký sinh trùng, ngăn ngừa bệnh cho cá tầm nuôi trong bể.
Bước sang năm thứ 6 nuôi cá tầm, 5 bể nuôi của gia đình anh Lý Văn Bền, thôn Trĩ Trong đã đi vào ổn định. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, chăm sóc, đảm bảo nguồn nước nên cá phát triển tốt, đem lại thu nhập khá cho gia đình.
Theo anh Bền, cá tầm được gọi là cá của “nhà giàu” vì kinh phí đầu tư cao, kỹ thuật chăm sóc khắt khe, địa điểm có nguồn nước phù hợp cũng hạn chế nên ít người có đủ điều kiện để nuôi.
Trang trại của gia đình anh Bền thiết kế các bể nuôi theo dạng bậc thang để tận dụng nước bể trên chảy xuống bể dưới. Cá giống được nhập từ các cơ sở uy tín tại thị xã Sa Pa.
Theo kinh nghiệm cá nhân, khi vận chuyển cá từ cơ sở cung cấp giống về, anh sẽ để cá làm quen với môi trường trong bể nhỏ, sau mới đưa ra các bể to để nuôi thương phẩm.
“Vào mùa hè, nguồn nước hạn chế, để cá phát triển tốt thì cần chủ động điều chỉnh lượng nước và mật độ nuôi phù hợp, sử dụng sục khí khi nắng nóng kéo dài.
Mùa mưa cần chú ý kiểm tra đường ống dẫn nước, tránh để rác che lấp ống, chú ý vệ sinh bể ngay sau mưa để loại bỏ nước bẩn” -anh Bền chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi cá tầm.
Cá tầm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nuôi cá tầm đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn (từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng) nhưng giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với các đối tượng nuôi khác tại địa phương; thị trường tiêu thụ rộng (trong và ngoài tỉnh).
Hiện cá tầm thương phẩm nuôi khoảng 12 - 15 tháng, khi trọng lượng đạt từ 2 - 2,5 kg/con trở lên thì có thể xuất bán. Giá bán bình quân 180.000 - 190.000 đồng/kg (tại ao).
Theo tính toán của người dân, giá thành sản xuất 1 con cá tầm từ 170.000 - 200.000 đồng, giá bán đạt từ 360.000 - 380.000 đồng/con, người nuôi thu lãi gần một nửa.
Do ưu thế về địa hình, nguồn nước, khí hậu mát mẻ quanh năm nên một số thôn vùng cao của xã Phúc Khánh thích hợp để nuôi các giống cá nước lạnh.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) có 31 hộ, với 89 bể nuôi cá tầm (mỗi bể nuôi từ 500 - 700 con cá), tập trung chủ yếu tại các thôn Trĩ Trong, Trĩ Ngoài, Làng Nủ. Hộ phát triển nuôi cá tầm chủ yếu trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả.
Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người nuôi cá đặc sản này, đồng thời khuyến khích các hộ thành lập hợp tác xã nuôi cá tầm để liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cá tầm là một tên gọi để chỉ một chi cá có danh pháp khoa học là Acipenser với 21 loài đã biết. Là một trong những chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, chúng có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ...