Xã nào rộng nhất TP Lào Cai, chiếm hơn 1/3 diện tích, mật độ dân số thấp nhất, có con đèo đẹp?
Đây là xã rộng nhất TP Lào Cai, chiếm hơn 1/3 diện tích, mật độ dân số thấp nhất, bất ngờ có con đèo đẹp
Thứ ba, ngày 10/10/2023 05:20 AM (GMT+7)
Tả Phời là một xã có diện tích rộng đến 88,33 km², chiếm 31,29% diện tích toàn thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), nhưng mật độ dân số thấp nhất, chỉ 5 người/km². Chưa hết, đây là xã có “nóc nhà thành phố” và có một con đèo đẹp còn ít người biết đến.
Tả Phời là xã đặc biệt trong 17 đơn vị hành chính của thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Tất nhiên, là “xã đặc biệt khó khăn” thì đã thoát rồi, nhưng điều đặc biệt đáng nói nhất của Tả Phời là một xã có diện tích rộng đến 88,33 km², chiếm 31,29% diện tích toàn thành phố, nhưng mật độ dân số thấp nhất, chỉ 5 người/km².
Chưa hết, Tả Phời còn là xã có “nóc nhà thành phố” của TP Lào Cai và có một con đèo đẹp còn ít người biết đến.
Ở thành phố Lào Cai, xưa nay chưa mấy ai nói đến đèo Tả Phời, dù có thể đã đi qua, bởi nó mới xuất hiện từ năm 2009, sau khi có đường bê tông rộng hơn 4 m, phẳng lì như con rắn vàng bò ngoằn ngoèo trên sườn núi qua 7 thôn, bản vùng cao, trong đó có những thôn cao nhất như Ú Sì Sung, Phìn Hồ Thầu.
Đã là đèo thì phải gắn với đường giao thông. Tuyến đường đưa chúng tôi từ vùng khí hậu nhiệt đới đến vùng ôn đới mà chỉ mất vài chục phút xe máy! Vừa mới ở chân núi, đầu thôn Đá Đinh, nóng như đổ lửa, lên đến bản Pèng đã mát như cái “phòng điều hòa” khổng lồ! Ấy chính là nhờ có đường đèo, kết quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Tất nhiên trước kia cũng có đường rồi, nhưng là “đường mòn”. Đồng bào Dao đỏ sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời trên sườn núi, khuất lấp dưới tán rừng già. Họ cứ đi mãi trong rừng, lên núi, xuống núi bằng chân con người, chân con ngựa mà thành. Đường như thế thì chả ai gọi là “đèo”! Khái niệm đèo (đèo núi) tồn tại gắn liền với đường giao thông, nên tùy theo sự phát triển giao thông và du lịch mà đèo có được biết đến hay không. Vậy là chính tuyến đường đã làm nên đèo Tả Phời mà nay tôi mới có thể gọi đúng tên của nó.
Cảnh đẹp ở bản Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai vào xuân. Phìn Hồ Thầu là một trong những bản ở độ cao nhất của xã Tả Phời. Ảnh: Ngọc Bằng.
Nhiều người từng biết, ở miền núi phía Bắc có rất nhiều đèo, trong đó có 4 đèo nổi danh được người đời tặng danh hiệu “Tứ đại đèo Tây Bắc”. Đó là đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Mã Pí Lèng.
Đèo Tả Phời dài 26 km, chỉ kém đèo Pha Đin 6 km, kém đèo Khau Phạ 4 km, nhưng còn dài hơn đèo Mã Pí Lèng 6 km!
Về độ cao thì đỉnh đèo Tả Phời cán mốc 1.713 m so với mực nước biển, trong khi đèo Khau Phạ cũng chỉ 1.200 đến 1.500 m.
Nói về độ dài và độ cao thì đèo Tả Phời đứng cạnh “tứ đại đèo” cũng ngang ngửa “trứng gà trứng vịt”. Các đặc điểm khác của “tứ đại đèo” như vực sâu thăm thẳm, mây mù phất phơ, với những trảng ruộng bậc thang lung linh sóng lúa… làm “lác mắt” người đi đường, thì đèo Tả Phời cũng chả kém cạnh gì.
Tuy nhiên, đèo Tả Phời chưa có tiếng tăm gì, vì mới ra đời và chỉ nằm trên tuyến đường nông thôn mới, chứ không phải quốc lộ như các “đại ca tứ đại đèo”…
Đã không ít lần, tôi cùng bạn viết Phạm Công Thế đi qua đèo này, bắt đầu ngược dốc từ bản Đá Đinh lên bản Pèng, dài 12 km.
Ở đây thời tiết khác hẳn. Khi phóng tầm mắt xuống hun hút thung sâu như nhìn từ cửa sổ máy bay, thấy trời chang chang nắng, ngay chỗ mình đứng mây mù từng đợt dâng lên, lấp dần cảnh vật xung quanh, khiến có cảm giác như được ai đó đưa lên giời!
Đây cũng chính là ngã ba đáng nhớ. Một ngả rẽ ngược tiếp lên đỉnh đèo - bản Phìn Hồ Thầu, nơi “Nóc nhà thành phố” (tên bài ký của Công Thế). Một ngả rẽ trái, nếu muốn xuống đèo thì bắt đầu hạ sơn khoảng 14 km sẽ tiếp cận chân núi, thuộc thôn Cuống.
Ở Cuống có nhà máy thủy điện nhỏ là 1 trong 2 nhà máy thủy điện tổng công suất 12,6 MW đang hoạt động.
Công Thế là một trong những nhân chứng khi anh từng tham gia xây dựng các nhà máy thủy điện này. Công Thế cho biết, hồi ấy mò vào đến đây để thi công nhà máy thủy điện quả là những con người dũng cảm.
Đường đi chẳng có, công nhân toàn “đờ mi cuốc”. Thời tiết khắc nghiệt. Giải phóng mặt bằng đụng vào đất đai, rừng núi đã có chủ, phải xử lý đúng pháp luật và sao cho thấu tình đạt lý. Rất may là bà con ủng hộ, nên khá suôn sẻ...
Những lần đi trên đường đèo, chúng tôi thường dừng lại chụp ảnh. Nhưng cái chính là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó với những khu rừng còn đầy dấu ấn hoang sơ, ruộng bậc thang rực rỡ lúa vàng, không kém gì danh thắng Sa Pa, Y Tý…
Đường đèo Tả Phời thường ngày còn ít phương tiện qua lại, thi thoảng mới gặp một chiếc xe hơi, còn phần lớn là xe máy và người đi bộ. Đôi khi gặp bà con dắt cả đàn bò, đàn dê diễu hành trên đèo. Thanh niên thì phi xe máy vù vù.
Nom vậy tôi thầm nghĩ, đồng bào vùng cao ở đây cũng chả đến nỗi nào. Điện chiếu sáng cũng đã kéo đến từng nhà rồi… Hẳn đây là kết quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nhớ một lần, anh em tôi gặp chàng trai tên Lò Láo Lở. Cậu ta rủ chúng tôi leo lên nhà để chụp ảnh ruộng bậc thang hình mâm xôi. Cái nhánh đường cheo leo ấy cũng được làm bằng bê tông, nhưng chỉ rộng độ sải tay.
Bên phải, ta luy dương dựng ngược toàn đá, bên trái, ta luy âm “vô tiền khoáng hậu”, hun hút chả thấy đáy vực đâu! Cứ ngoắt ngoéo phải gần 20 phút sau mới tới ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn “treo” trên sườn núi trong tán rừng tạp âm u.
Tôi bảo với Thế, giả như không có cây cối che kín thì ở dưới kia nhìn lên, chắc ngôi nhà sẽ y như cái chuồng chim gá vào vách đá! Lò Láo Lở chỉ lên đỉnh đồi lúa đang đỏ đuôi: “Đấy, muốn chụp ảnh ruộng bậc thang đẹp thì hai ông để xe máy ở đây, leo lên kia”. Tôi ngước mắt lên mà thấy hãi: “Chắc khó đi lắm?”.
Láo Lở nói: “Cũng không khó mấy, chúng cháu đi bình thường mà”. Liếc qua cặp giò của Lở, tôi nghĩ bụng: “Các “anh già” chúng tớ đú làm sao được thanh niên sơn cước chú mày!”. Nghĩ vậy nhưng vẫn ra vẻ “anh hùng”: “Ừ, thì lúc nào nắng, có điều kiện chúng tớ lên…”.
Chả là giữa lúc đó, mây ở đâu ùn ùn táp vào, cả dãy núi mênh mông đang nắng vàng rực rỡ bỗng tối sầm như sắp bước vào đêm, nên việc chụp hình đành hoãn lại.
Thấy ba người nói chuyện, một lão nông khoảng hơn 50 tuổi, từ ngôi nhà trên cao lò dò bước xuống từng bậc đất, bậc đá. Ông là bố Láo Lở. Chân ông xỏ đôi ủng cao đến đầu gối, tay cầm con dao phát. Mọi người chào nhau và làm quen.
Chúng tôi hỏi thăm về đời sống đồng bào, ông bảo: “Cũng còn nhiều khó khăn lắm, đất núi thì có đấy, nhưng trồng cây gì cũng không lên được. Đấy, những cây lúa kia kìa, có quả rồi, nhưng khi thu hoạch cái hạt thóc nó không no. Giá như mình thì bảo hạt thóc lép, nhưng ông ấy nói “không no”, khiến một người quan tâm đến ngôn ngữ như tôi phải nghiêm túc suy nghĩ.
“Ừ nhỉ, thế là mình học được một từ mới. Cái hay của ngôn từ này là nó chứa đựng chiều sâu tư duy của người vùng cao. Hạt thóc là biểu tượng của đời sống con người nơi đây. Cái thứ quan trọng nhất để chống đói cho người mà chính bản thân nó còn “không no” thì làm sao thực hiện được thiên chức vốn có của nó!
Tôi tỏ ra “khôn” hơn, bèn góp ý: “Này, ở đây canh tác, đi lại khó khăn thế mà sao bà con cứ bám trụ, không xuống dưới kia mà ở?”. Ông nói luôn: “Không được. Dưới đó người ta ở hết rồi, mình phải đến cái chỗ không phải tranh nhau với ai cả”!...
Đúng là đi một quãng đàng “học một sàng khôn”. Chỉ lang thang trên một khúc đèo, nơi thâm sơn cùng cốc mà chúng tôi học được cách nói của người dân lao động, những suy nghĩ giản dị mà chứa đựng triết lý cuộc sống và tầm vóc văn hóa! Quả là sự học thật vô cùng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.