Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chúng tôi có dịp đến xã vùng cao Văn Bàn (Lào Cai) trong một ngày hè nắng gắt. Cuối chiều, công việc xong xuôi, bạn tôi rủ qua chợ Khánh Yên mua ít nông sản.
Chợ ở đây phong phú rau, củ, quả và sản vật địa phương. Qua mấy hàng rau, chị gái người Tày ở bản xa ra đon đả mời: Đây là cua đá anh ạ. Cua này to, nhiều thịt, nấu canh ngọt lắm, anh ăn thử một lần là nhớ mãi đấy!
Những con cua đá chợ quê làm bao kỷ niệm của thời thơ ấu trong tôi bỗng chốc ùa về.
Mấy anh em tôi sinh ra và lớn lên ở xóm núi vùng biên giới Lào Cai, mở cửa ra là nhìn thấy núi, đi đâu cũng trong vòng vây của núi rừng.
Ông bà tôi là nông dân, bố mẹ tôi cũng gắn bó với ruộng đồng, đồi núi nên cả thời thơ ấu của mấy anh em có nhiều kỷ niệm khó quên.
Ngày ấy, việc học của lũ trẻ trong làng nhàn lắm chứ không vất vả, áp lực như bây giờ. Buổi sáng chúng tôi đến trường học, buổi chiều nhông nhông trên lưng trâu, mùa thì vào rừng lấy củ, đào sắn, bẻ măng, mùa thì dong trâu ra những thửa ruộng mới gặt đốt rơm, bắt cua, bắt cá.
Dãi nắng, dầm mưa nhiều nên mặt mũi, chân tay đứa nào cũng đen như cột nhà cháy, nhưng quen với nắng gió núi rừng nên trẻ vùng cao như tôi chẳng mấy khi bị ốm.
Cua đá là đặc sản người dân bán ở chợ Khánh Yên (huyện Văn Bàn, Lào Cai).
Mùa hè là thời gian bọn trẻ xóm núi mong đợi nhất vì không phải đến trường mà có hẳn 3 tháng tha hồ đi chơi, chăn trâu, lấy củi. Mặc cho cái nắng hè gay gắt, chúng tôi vẫn hẹn nhau cưỡi trâu vào hồ Tả Sín và vượt Dốc Đỏ lên dãy núi trên đó vì trong rừng nhiều cỏ lau cho trâu ăn và có những thác nước mát lạnh xua tan oi bức mùa hè.
Thả cho lũ trâu tự do đi tìm cỏ trong thung lũng, cả nhóm rủ nhau đi dọc theo dòng suối mát để bắt cua, bắt cá.
Chúng tôi thi nhau lặn ngụp giữa dòng nước mát, luồn sâu xuống đáy nước tìm những viên sỏi trắng trong suốt như thủy tinh, bắt những con cá bống nhỏ ẩn náu trong khe đá. Vui nhất là đi ngược theo dòng suối, lật đá tìm cua đá. Đây là loại cua to hơn hẳn cua đồng, chúng chỉ sống ở khe đá nước mát lạnh trên núi.
Hình dáng của cua đá cũng khác cua đồng, mai của chúng to, màu xám, phía trên gồ ghề, lồi lõm như đá tảng. Cua đá có những cái chân dài phủ lông, nhiều răng cưa và hai cái càng to gộc là vũ khí nguy hiểm của chúng.
Đi bắt cua đá đứa nào không khéo bị cái càng to như ngón tay cái với những răng cưa sắc nhọn màu đỏ rực kia kẹp vào ngón tay thì chỉ có khóc thét giữa rừng. Khi bắt được cua đá, phải dùng tay nắm thật chặt để ép hai cái càng vào thân chúng, sau đó dùng dây rừng buộc lại.
Cua đá không có nhiều, chúng tôi đi tìm cả buổi cũng chỉ bắt được chục con. Trên núi còn một loại cua đất nhỏ chỉ đào hang sống trong lòng đất đỏ, chúng có màu đỏ như son, có con màu vàng, màu xanh ngọc rất đẹp. Loại cua này hiếm, nên thi thoảng mới có đứa bắt được mang về nuôi làm cảnh.
Kỷ niệm tuổi thơ mò cua, bắt ốc của chúng tôi còn là những buổi rủ nhau đi bắt cua đồng. Khi lúa trên ruộng lên xanh mướt và trổ đòng đòng cũng là lúc lũ cua đồng nhiều nhất và béo núc.
Cua đồng sống trong hang, đi dọc bờ ruộng, chỉ cần tìm những lỗ nhỏ bằng cổ tay có màu đất mới là thế nào cũng có chú cua đang nằm trong đó. Tuy nhiên, để bắt được cua đồng không hề dễ, chỉ có cách luồn tay vào hang để lôi lũ cua ra, đứa nào gan dạ nhất cũng lo bị cua kẹp chảy máu tay.
Những con cua đực to hoặc cua cái đang nuôi con trong yếm dưới bụng rất dữ, sẽ tấn công bất cứ thứ gì xâm nhập lãnh thổ của chúng.
Có lần tôi rụng rời chân tay khi vừa thò tay vào trong hang bỗng có cảm giác đụng vào thứ gì trơn trượt, mềm mềm. Khi kịp rút nhanh tay ra thì một con rắn cũng phi từ trong hang ra khiến cả lũ hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Thật may đó chỉ là con rắn nước, không có nọc độc, nếu bị cắn cũng chỉ ngứa chút thôi.
Giữa mùa hè nóng nực, lũ cua sau khi được chúng tôi bắt về sẽ được mẹ chế biến thành những món ăn ngon khó quên. Ngon nhất vẫn là món canh cua nấu với mướp, rau đay, mồng tơi mát ngọt.
Cua đồng xé bỏ mai, lấy tăm khêu gạch màu vàng, màu đỏ trong mai của chúng ra, còn thịt cua giã nhỏ chắt lấy nước nấu canh. Sau một ngày làm đồng, chỉ cần thưởng thức bát canh cua là bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết, cảm giác mát ngọt xua tan đi cái nóng bức ngày hè.
Cùng với nấu canh thì món cua đồng rang muối giòn rụm hoặc cua đồng nướng than cũng rất đáng nhớ. Cua sau khi rang, nướng chuyển dần sang màu đỏ au, từ cái càng đến từng cái chân đều giòn tan, từng thớ thịt cua trắng ngần và thơm phức, chấm với muối ớt chanh cay cay thì ngon khó cưỡng. Chỉ cần nghĩ đến đó, bụng tôi đã sôi ùng ục, nước miếng cứ ứa ra thèm thuồng…
Thời gian trôi đi, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi cũng lớn dần theo năm tháng và mải mê với cuộc mưu sinh, thi thoảng có dịp gặp nhau là thi nhau ôn lại kỷ niệm xưa, tuổi thơ hiện về như mới hôm qua. Ôi chao những con cua đá, cua đồng bé nhỏ và món ăn thơm thảo vị đồng quê rừng núi đã đi suốt một thời thơ ấu bỗng trở thành máu thịt của mình dù đi cùng trời cuối đất cũng chẳng thể nào quên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.