Buổi đầu lập nghiệp, người Hỏa Lựu - Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) mang theo “văn hóa ăn”, đặc trưng truyền thống của mỗi dân tộc.
Từng lúc, qua giao thoa văn hóa, đã hình thành nên tập quán, sở thích mang nét chung về lương thực, thực phẩm như: ăn cơm gạo với thịt, cá, tôm, rau, củ, quả; dùng rượu, uống trà... Tuy vậy, trong chế biến các món ăn, cũng như về sở thích, cách ăn uống thì vẫn có nét khác nhau.
Trong bữa ăn, cơm (gạo) bao giờ cũng là lương thực chính. Gạo từ lúa xay ra; lúa thu hoạch từ mùa vụ nhà nông gieo trồng ở địa phương. Tiếp sau hạt gạo, là nguồn thực phẩm dồi dào trên vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh có nhiều chất dinh dưỡng như: heo, gà, vịt, cá, tôm, lươn, ếch,...
Thời khẩn hoang, nhiều sản vật rừng trên bờ dưới nước như: heo rừng, chồn, rắn, rùa, cua đinh, chim trời, chim nước, kể cả cá sấu,... trở thành thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa ăn, bữa nhậu.
Quanh vườn nhà hay ngoài ruộng, ven rừng là cả một kho tàng rau xanh tự nhiên, hoặc do gia đình vun trồng.
Đó là rau choại, rau mác, cù nèo, bồn bồn, lục bình, bồ ngót, rau dền, thuốc dòi, môn nước, rau dệu, rau trai, rau má,... Rau củ vườn nhà trồng thì có: rau thơm, bầu, bí, mướp, dưa, khoai mỡ, khoai môn,... Để có chế biến thành gia vị phù hợp, đã có các loại ớt, chuối (cây, bắp), hành, gừng, tiêu, ngò gai, ngò om.
Có nguồn lương thực thực phẩm dồi dào trong tay, các nhà nội trợ đã khéo léo chế biến qua các phương thức, đơn giản nhất là luộc, nấu, nướng, chiên, kho,…
Dần dần, qua bàn tay khéo léo người nội trợ còn chế biến nhiều món khác, bằng các phương thức có tính sáng tạo là chưng, hấp (cách thủy), kho mắm,... Sau này còn chế biến ra món lẩu mắm đặc trưng.