Trồng rau dại mọc lung tung ngoài đồng, hóa ra nông dân Hậu Giang đang trồng "thần dược"
Rau dại xưa ăn quàng ăn quấy, ai ngờ nay ăn tốt cho sức khỏe, nông dân Hậu Giang đang trồng để bán
Thứ ba, ngày 11/10/2022 05:12 AM (GMT+7)
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp” của tỉnh Hậu Giang cho thấy tiềm năng và hiệu quả kinh tế từ cây rau này, có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Rau đắng đất, hay còn gọi là rau đắng lá vòng, là một loài cây thân thảo có thân và cành mảnh, có khả năng phân nhánh khỏe.
Cây rau đắng đất thường mọc sát mặt đất thành từng đám dày đặc, ra nhiều hoa quả và có thể tái sinh tự nhiên bằng hạt. Ở nước ta, loài cây này phân bố dọc theo các tỉnh ven biển, từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đông y, rau đắng đất có vị đắng, tính mát, có tác dụng khai vị, lợi tiêu hóa, lợi tiểu, nhuận gan, nhuận tràng, hạ nhiệt, thường được dùng làm thuốc hạ sốt, kích thích tiêu hóa, chữa các bệnh về gan, vàng da, ứ sản dịch,…
Rau đắng đất là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Phụng Hiệp nói riêng và Hậu Giang nói chung.
Tại Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rau đắng đất là loài cây quen thuộc, vừa là một loại rau dân dã trong bữa ăn hằng ngày vừa là một vị thuốc nam rất hữu dụng.
Theo thời gian, loài cây này ngày càng chứng minh được giá trị về mặt y học và kinh tế. Trong khi đó, huyện Phụng Hiệp vốn có hơn 7.500ha đất trồng mía kém hiệu quả, cần chuyển đổi sang một loại cây trồng phù hợp hơn. Và rau đắng đất được nhận định là loại cây trồng thích hợp trên vùng đất mía của huyện, cần triển khai mô hình trồng để thử nghiệm.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của địa phương, huyện Phụng Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp”.
Dự án do ThS. Đặng Thị Thanh Loan làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang là tổ chức chủ trì, được thực hiện từ tháng 8-2019 đến tháng 7-2022. Qua gần 3 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Dự án đã xây dựng quy trình tuyển chọn và trồng rau đắng đất sạch bệnh bằng biện pháp sinh học cấy mô đỉnh sinh trưởng và quy trình sản xuất các loại trà rau đắng đất là trà tươi, trà hòa tan, trà túi lọc. Trên cơ sở đó, dự án xây dựng 5 mô hình trồng rau đắng đất, với tổng diện tích 2ha tại xã Hòa An và xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.
Hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản rau đắng đất cho 5 hộ dân tham gia dự án và tập huấn cho hơn 100 lượt người dân tại địa phương. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ 50% giá trị hệ thống tưới phun sương tự động.
Sau khoảng 2 đến 3 tháng gieo trồng, cây rau đắng đất có thể thu hoạch với năng suất từ 1 đến 1,5 tấn trên 1.000m2. Với giá thu mua 20.000 đồng/kg, người nông dân có thể thu được lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/1.000m2.
Theo đánh giá từ các hộ dân, rau đắng đất là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh và nhẹ công chăm sóc. Loài cây này có thể trồng chuyên canh và xen canh, đem lại thu nhập khá và quay vòng vốn nhanh.
Ông Trần Trung Nhiệm, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Dự án đã cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây rau đắng đất có thể mang lại cho người nông dân tại địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng loại cây này tại xã Hòa An và xã Phương Bình cũng như các địa phương khác của huyện”.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình trồng rau đắng đất, ban chủ nhiệm dự án còn tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất trà rau đắng đất từ Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại ORHE và chuyển giao cho người nông dân. Giúp họ nắm được kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất các loại trà rau đắng đất như trà tươi, trà hòa tan, trà túi lọc.
Hỗ trợ Tổ hợp tác Green tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình xây dựng nhãn hiệu và mã QR cho sản phẩm. Với việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ, dự án sẽ là khởi đầu tốt cho địa phương trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng.
Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp huyện đã tiến hành đánh giá, nghiệm thu dự án. ThS. Đặng Thị Thanh Loan, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Sau khi nghiệm thu, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và sản xuất các sản phẩm từ rau đắng đất cho người dân. Hỗ trợ cây giống và giúp Tổ hợp tác Green gia công sản phẩm để duy trì, phát triển mô hình trồng và chế biến rau đắng đất bền vững, lâu dài hơn”.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp” đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp của huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Qua đó, giúp người nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.